Doanh nhân thời 4.0: Thành tâm để thành công
(ABO) Nhân ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10-11 xin nêu vài suy nghĩ về 3 chữ T dành cho doanh nhân thời nay. Đó là tài, tầm và tâm.
1- Nền kinh tế mở và hội nhập quốc tế sâu rộng, cộng với xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0; tất cả đòi hỏi doanh nhân Việt ngày nay phải có tri thức để kiến tạo, để phát triển bền vững. Bởi nếu chỉ với đức tính “chịu thương,chịu khó”, kinh doanh theo năng khiếu bẩm sinh thì khó có thể phát triển, vươn xa. Vì thế, cái tài ở đây chính là tri thức, để nắm bắt, thích ứng với công nghệ số cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Tài còn thể hiện sự sáng tạo, đổi mới liên tục để thích ứng với xu hướng phát triển, với nhu cầu của khách hàng; của đối tác; ứng phó với đối thủ cạnh tranh và môi trường bên ngoài.
2- Tầm của doanh nhân, của một lãnh đạo chính là động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp. Một lãnh đạo thiếu tầm nhìn chiến lược sẽ khó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững và có những đột phá mạnh mẽ. Cái tầm thể hiện sự "nhìn xa trông rộng", là khả năng hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Đó chính là khả năng nhận định thời cuộc, xu hướng phát triển, để có thể “ đi tắt, đón đầu”, lái con tàu doanh nghiệp vươn ra biển lớn. Ở Việt Nam, thời gian qua đã xuất hiện những doanh nghiệp có tầm nhìn xa, với những chiến lược phát triển có tính đột phá, đang từng bước khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp gặp khó khăn khi lãnh đạo thiếu tầm nhìn trong xu thế phát triển của công nghệ số, nên chậm thay đổi mô hình kinh doanh.
Tâm của doanh nhân đó là chia sẻ lợi nhuận, hướng về cộng đồng. Ảnh: Chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ" do Công ty CP Hùng Vương tài trợ tổ chức hàng năm ở Tiền Giang. |
3- Tâm, nghiêng về phạm trù đạo đức, đạo đức trong kinh doanh, nên xem ra đây là chữ T “hơi khó” với các doanh nhân trong thời đại 4.0. Thế giới đang gần lại với nhau hơn và mở hơn với sự phát triển và kết nối của công nghệ; nên mức độ cạnh tranh trên thương trường cũng khốc liệt hơn; vì thế yếu tố đạo đức là sức ép không nhỏ lên hoạt động của các doanh nhân. Cái tâm của lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện qua đạo đức trong kinh doanh, làm ăn; đó chính là cái nền của Văn hóa doanh nhân, là yếu tố cốt lõi xây dựng thương hiệu bền vững cho doanh nghiệp.
Cái tâm thể hiện qua văn hóa ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử với người tiêu dùng, ứng xử với môi trường xung quanh. Một doanh nghiệp phát triển với phương châm bất chấp tất cả, chỉ vì lợi nhuận thì không thể xem là văn hóa, là đạo đức. Chữ T thứ ba này nghiêng về văn hóa Á Đông, có thiên hướng phật pháp, theo thuyết nhân quả; thể hiện cái tâm phát sáng vì cộng đồng của doanh nhân. Đó là chia sẻ lợi nhuận, hướng về cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng xử văn hóa theo phương châm "Thành tâm để Thành công". Và đây cũng là yêu cầu cốt lõi để Chính phủ phát động, nhân rộng, đề cao văn hóa doanh nghiệp trong thời đại mới.
Nếu tài và tầm của người lãnh đạo giúp doanh nghiệp định hướng, thích ứng và phát triển; thì cái tâm là giá trị cốt lõi thể hiện cái hồn của doanh nghiệp, nó hướng đến yếu tố bền vững của thương hiệu. Thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thách thức, nhưng để hóa giải nó, các doanh nhân cần thẩm thấu 3 chữ: tâm, tầm, tài.
DS