.

Trung Quốc lại "ngang ngược" không coi ai ra gì

Cập nhật: 17:36, 05/12/2020 (GMT+7)

Biển Đông sẽ lại “nóng”, còn “nóng” khi tất cả đều muốn kiềm chế hành vi của Trung Quốc, còn Trung Quốc không muốn bị kiềm chế về hành vi của mình, không coi ai ra gì.
 

a
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: BNG.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/12, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước những động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Như đã nhiều lần khẳng định, mọi hoạt động ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nếu không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý” - Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Cụ thể, tỉnh Hải Nam thông báo sẽ khôi phục lại các chuyến du lịch tàu biển ra quần đảo Hoàng Sa kể từ đầu tháng 12/2020; Hải quân Trung Quốc tổ chức lễ tiếp nhận tàu bệnh viện “Nam Y 13” tại bến cảng trên đá “Vĩnh Thử, Nam Sa” tức đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 

a
Trung Quốc tiếp tục tổ chức đưa khách du lịch đến Hoàng Sa (Nguồn: Kiến thức)

Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố “quyền lịch sử” đối với vùng biển nằm trong cái gọi là đường chín đoạn của họ, bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông. Trong khi vùng biển này rõ ràng thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, được cả thế giới công nhận.

Trung Quốc đã cho phép du thuyền đầu tiên đưa hành khách (một cách phi pháp) ra quần đảo Hoàng Sa từ năm 2013. Hoặc chỉ trong năm 2020, Trung Quốc bị chỉ trích đã lợi dụng những bất ổn do đại dịch COVID-19 để tăng cường các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, bao gồm tăng nhịp độ hoạt động trên thực địa, mở rộng kiểm soát trên Biển Đông và cố ý va chạm với nhiều nước láng giềng..v..v.

Đây không phải lần đầu hay lần thứ hai, mà đã là lần thứ ‘n’ Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối chính thức Trung Quốc có những hành động phi pháp, vi phạm chủ quyền Việt Nam nhưng sẽ không làm thay đổi được sự thật về chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông.

Ở phạm vi khu vực và quốc tế, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã kiên quyết phản đối những yêu sách chủ quyền phi pháp và hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ và các đồng minh phương Tây của Washington cũng công khai chỉ trích và bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Sự chỉ trích này một phần vì lợi ích của Mỹ ở khu vực, một phần cũng vì mối quan hệ của Mỹ - Việt Nam đã được nâng tầm, ngày càng bền chặt.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien trong chuyến thăm Việt Nam mới đây đã có cuộc nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao rằng: “Qua năm tháng, tình hữu nghị này đã phát triển thành một mối quan hệ đối tác toàn diện và vững mạnh, bắt rễ từ sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Đây là tình hữu nghị được xây dựng trên nền tảng quan hệ giữa nhân dân hai nước, bao gồm cả những người đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xung đột trong quá khứ – các cựu chiến binh, thân nhân của những người đã mất…”

Úc, châu Âu lên tiếng quan ngại về tình hình Biển Đông Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu ngày 27/11, Thủ tướng Úc Scott Morrison nhắc đến nhiều vấn đề đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích, an ninh của cả Úc và Liên minh châu Âu.

Dưới sự “công kích” của Mỹ, cùng với sự “phản kháng” của các nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, có sự “hoà giọng” từ các đồng minh khác của Mỹ, Trung Quốc, một mặt tỏ vẻ hoà dịu với Mỹ trong các tuyên bố. Tuy nhiên, họ không xuống thang trong các hành động “ăn miếng trả miếng” với Mỹ.

Có thể nói, Biển Đông là điểm mấu chốt trong chiến lược của hai nước để giành quyền thống trị khu vực. Dường như cách tiếp cận hiện nay của Mỹ ở Biển Đông là đối phó với những hành động quyết đoán hơn của Trung Quốc bằng việc tận dụng sức mạnh lớn hơn của chính mình.

Và các nước ASEAN đang lâm vào thế kẹt giữa hai cường quốc. Một bên là Trung Quốc mạnh mẽ, hung hăng nhưng ở sát bên. Các tín hiệu từ Trung Quốc có thể dự đoán, họ sẽ không chấp nhận các nội dung của phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016. Còn một bên là Mỹ tuy ủng hộ lập trường Biển Đông của các nước Đông Nam Á nhưng chính sách lại hay thay đổi.

ASEAN không muốn chọn bên nào và Việt Nam cũng đã có những quan điểm pháp lý của mình. Nhất là khi phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 giờ đây đã là một phần của luật quốc tế.

Dù vậy, Biển Đông sẽ lại “nóng”, còn “nóng” khi tất cả đều muốn kiềm chế hành vi của Trung Quốc, còn Trung Quốc không muốn bị kiềm chế về hành vi của mình, không coi ai ra gì.

(Theo enternews.vn)

.
.
.