Từ lời Bác dạy nghĩ về cán bộ "6 dám"
(ABO) Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Bác viết năm 1947, đến nay vẫn còn tươi nguyên giá trị. 5 đức tính “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” Bác đề cập trong tác phẩm là những phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ, đảng viên trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Trong đó, đối với đức tính dũng, Bác dạy: “Dũng” là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng.
Thực hiện lời Bác dạy, đội ngũ cán bộ của Đảng từ đó đến nay đã luôn dũng cảm, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và mạnh dạn đổi mới với quyết tâm thực hiện mục tiêu của cách mạng. Tuy nhiên cũng còn có một ít cán bộ thực hiện chưa tròn đức tính dũng mà Bác Hồ đã dạy. Thực tế cho thấy, còn có cán bộ “mềm yếu, non gan”, không dám đương đầu với khó khăn thách ở nhiều mức độ.
Yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là phải thật dũng cảm, kiên cường, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, mạnh tay hành động, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm của chính mình và của tập thể có hiệu quả, để được nhân dân phấn khởi, tin tưởng, ủng hộ mạnh mẽ. Vì thế, Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu đội ngũ cán bộ phải “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Song đứng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và để đất nước phát triển nhanh, bền vững, nếu cán bộ, đảng viên chỉ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thôi thì chưa đủ, mà còn phải dám nói, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Bởi thực tế có không ít cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng không dám nói. Chưa kể có người dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng là vì lợi ích nhóm, vì bản thân và gia đình, dòng họ chứ không phải vì sự nghiệp chung của Đảng.
Trong sinh hoạt Đảng ngại tự phê bình và phê bình, không dám nói, không dám đấu tranh dù là biết những việc làm, hành động của đồng chí, đồng đội sai trái, thậm chí vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng để mong được yên thân, thuận lợi trong công việc.
Đương đầu với khó khăn thử thách cũng vậy, không phải cán bộ nào cũng có đủ bản lĩnh, trí tuệ để dám đương đầu với những khó khăn, thách thức. Không dám đương đầu đã đành, nhưng còn có một số cán bộ có biểu hiện ngại khó, ngại khổ.
Từ yêu cầu trên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu cán bộ phải: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập I - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật).
Để thực hiện tốt “6 dám”, mỗi cán bộ ngoài có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có năng lực nổi bật, còn phải tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, hành động vì lợi ích chung, không nói bừa, làm ẩu, không lợi dụng "6 dám" để vi phạm pháp luật…. Bên cạnh đó, tổ chức cần có cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ “6 dám”.
M.T