Những "cơn lốc" với báo chí
Dù nhìn nhận mang tính chủ quan hay khách quan, áp lực đối với báo chí trong giai đoạn hiện nay là rất lớn. “Số phận” của mỗi cơ quan báo cũng phần nào được đoán định bởi năng lực vượt qua những áp lực này. Nhưng dù sao, họ vẫn luôn đi thẳng về phía trước và khoác trên vai sứ mệnh vẻ vang của mình.
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại công trường đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (thời điểm dịch Covid-19 chưa xuất hiện). |
1. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên trong cả nước phải thực hiện mô hình tòa soạn dã chiến do tác động của dịch Covid-19. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay không chỉ mang đến sự bất an cho sức khỏe cộng đồng, mà còn tác động và thay đổi phương thức làm việc của nhiều tổ chức, cá nhân. Báo chí cũng là một trong những lĩnh vực phải thay đổi và thích nghi.
Trong đợt dịch này, những người làm báo luôn sẵn sàng đi vào vùng tâm dịch để phản ánh một cách chân thật, khách quan những gì đã và đang diễn ra, cũng như góp phần định hướng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch, các nhà báo cũng chấp nhận gian khó, hy sinh và luôn đối diện với nhiều mối nguy rình rập trước mắt, nhưng họ vẫn xung phong đi thẳng về phía trước và điều chỉnh phương thức tác nghiệp để thích ứng với tình hình. Mô hình tòa soạn dã chiến được triển khai cấp tốc trong giai đoạn chống dịch của Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh là một trong những cách thích ứng của báo chí trong giai đoạn khó khăn, đó là điều cần thiết.
Nhìn từ phương diện khác, báo chí cũng đang đứng trước “cơn lốc” của mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, báo chí chính thống ngày nay đang đứng trước thách thức về công nghệ và đứng sau cả mạng xã hội. Bởi, trên thực tế, khi sự kiện mới phát sinh, mạng xã hội thường được cho là đi trước và lan truyền rộng khắp. Chúng ta chưa thể khẳng định mức độ chính xác về nội dung được truyền tải trên mạng xã hội đến mức nào, nhưng tính lan tỏa của nó thì vô kể. Vì lẽ đó, thách thức đối với báo chí chính thống trong bối cảnh hiện nay là đương nhiên và là điều không thể bàn cãi.
Trong một rừng thông tin trên mạng xã hội xuất hiện nhan nhản hằng ngày, báo chí đứng ở vị trí nào là điều mà không ít người đang phải suy ngẫm. Nói gì thì nói, đó là áp lực không nhỏ đối với các nhà báo. Nhìn ở khía cạnh khác, mạng xã hội không chỉ là đối thủ “đáng gờm” về thông tin của các cơ quan báo chí, mà nó còn là lãnh địa thu hút nguồn thu lớn từ quảng cáo.
Kinh tế báo chí giờ đây không còn là sân chơi lớn của các báo, đài, mà trận địa này đã chuyển dịch phần lớn sang mạng xã hội. Nó cũng được ví như một cơn lốc quét nhanh làm các cơ quan báo chí “choáng váng” trong chiến lược tìm lời giải cho bài toán kinh tế của mình. Thách thức này cũng không nhỏ hơn đối với áp lực về mức độ thông tin. Đó là hai mũi “giáp công” hiện hữu đánh thẳng vào cơ quan báo chí.
Xét về phương diện kinh tế báo chí, những tháng đầu năm 2021 một số cơ quan báo chí điện tử đã bắt đầu thu phí bạn đọc. Gần đây nhất là ngày 15-6 Báo VietNamNet bước vào một thử thách mới, triển khai thu phí một phần nội dung của tờ báo, đó là chuyên mục VietNamNet Premium ra mắt rộng rãi độc giả từ hơn 2 tháng trước. Thu phí nội dung là xu hướng chung của nhiều tờ báo trên thế giới, tuy nhiên việc triển khai trong nước chỉ mới được manh nha gần đây. Đây là xu hướng bắt buộc, bởi ngoài yếu tố nguồn thu tài chính, yếu tố bản quyền tác phẩm cũng là thước đo cho cơ quan báo chí.
Tất nhiên, với thói quen đọc báo điện tử miễn phí lâu nay của độc giả, VietNamNet cũng hiểu rằng việc thu phí là không hề dễ dàng. Dẫu sao, VietNamNet cũng tin rằng, với sự phát triển của xã hội và trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, thu phí báo chí là một xu thế tất yếu. Và đó không chỉ là niềm tin của VietNamNet hay của bất kỳ cơ quan báo chí nào, mà nó còn là cả một thách thức để thay đổi thói quen chi trả của bạn đọc.
2. Nhiều cơ quan báo chí chính thống hiện nay cũng đang đứng trước bức tranh chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực truyền thông nói riêng. Nó lại là một “cơn lốc” quét qua rất nhanh, buộc các cơ quan báo chí phải nhanh tay chuyển đổi. Nếu chậm chân, các cơ quan báo chí sẽ hụt hơi trước cơn bão công nghệ và tất nhiên sẽ dẫn đến tụt hậu ở nhiều phương diện khác.
Thực tế này đặt ra xu hướng là mô hình về tòa soạn hội tụ hay tòa soạn đa phương tiện ra đời trên nền tảng các cơ quan báo chí hiện hữu. Đó được xem là cách tích hợp các loại hình báo chí và hơn hết là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình hoạt động của mỗi tòa soạn. Suy cho cùng, trên thực tế không phải cơ quan báo chí nào cũng kịp thời chuyển đổi mô hình, bởi nó còn tùy thuộc nguồn lực và cả năng lực chuyển đổi. Chuyển đổi là xu hướng chung nhưng quá trình thực hiện của mỗi cơ quan báo chí là cả một chặng đường dài.
Thông tin những ngày gần đây cho thấy, một áp lực khác đối với cơ quan báo chí, đó là nguy cơ bị tấn công mạng. Mới đây nhất là Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Quốc gia phải phối hợp với các đơn vị có liên quan để xác minh nguyên nhân, phân tích và điều tra cuộc tấn công nhắm vào các nền tảng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bởi trước đó, ngày 13-6 báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội của Đài Tiếng nói Việt Nam bị tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ).
Ông Nguyễn Đức Tuân, Quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tại Việt Nam đã từng có một số cuộc tấn công DDoS nhắm vào các trang web của các cơ quan báo chí, thậm chí nhắm vào cơ quan quan trọng của Đảng, Nhà nước. Khả năng được suy đoán, việc đánh thẳng vào cơ quan báo chí ít nhiều cũng liên quan đến các thông tin mà cơ quan này thông tin trước đó. Áp lực mới lại xuất hiện đối với cơ quan báo chí.
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là ngày mà công sức những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông được tôn vinh, ghi nhận. Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay được đặt trong bối cảnh dịch bệnh nên lực lượng những người làm báo cũng phải ra trận, xung phong cùng tuyến đầu chống dịch. Và dù trong bất kỳ hoàn cảnh, áp lực nào, những người làm báo chân chính, các cơ quan báo chính thống luôn là cánh tay đắc lực của Đảng và Nhà nước. Họ luôn không ngừng thay đổi để thích ứng, bởi xã hội đang đặt trên vai họ những trọng trách lớn lao. Những “cơn lốc” đối với báo chí rồi sẽ qua nhanh, những người làm báo chân chính cũng sẽ tiếp tục xung phong ra trận.
ANH PHƯƠNG