.

Từ bài học kinh nghiệm ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh

Cập nhật: 09:52, 02/06/2021 (GMT+7)

(ABO) Qua 4 lần bùng phát dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng ở nước ta cho thấy, dịch bệnh đều xuất phát từ cơ sở (gia đình, đơn vị, khu dân cư, ấp (khu phố), doanh nghiệp…), từ đóm lửa nhỏ dịch bệnh bùng phát thành đám cháy lớn.

Điển hình, là ổ dịch liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh). Cho đến ngày 1-6, dịch bệnh tử điểm nhóm này đã gây ra 220 ca F0 tại TP. Hồ Chí Minh và lây lan ra các tỉnh thành khác, hơn 2.500 F1 và hơn 61.000 trường hợp F2.

Những người có trách nhiệm phòng, chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh đã nhận định, đây là chuỗi lây bệnh lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng ra cộng đồng, có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất trong số các ổ dịch tại thành phố, cho nên cần có giải pháp mạnh, quyết liệt để dập dịch..

Theo đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), không gian nhỏ hẹp, kín, người tham gia không đeo khẩu trang khi sinh hoạt tôn giáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan nhanh, làm tăng số ca nhiễm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi  trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở thành phố đã đặt câu hỏi: Tại sao “đi từng ngõ gõ từng nhà” để kiểm soát mà việc sinh hoạt tập trung để phát sinh ổ dịch lại không hề hay biết. Vai trò hoạt động của tổ dân phố, cảnh sát khu vực, hưu trí, đoàn thể phải biết, nhưng mà đã có sự lơ là mất cảnh giác, để cho điểm nhóm hoạt động trái quy định phòng dịch.

Đồng chí nhấn mạnh: "Chúng ta phải rút ra một bài học hết sức nghiêm túc về sự quản nhà nước trên địa bàn lãnh thổ ở cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở như thế nào, trách nhiệm chính là từ quận, phường, nhất là ở phường".

Rõ ràng, qua câu chuyện để xảy ra lây nhiễm và trở thành ổ dịch lớn ở Gò Vấp để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là, công tác quản lý của các cấp cơ sở cần được chấn chỉnh; cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể địa phương và phải xem xét lại công tác kiểm soát phòng chống dịch của các lực lượng chức năng tại cơ sở.

Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả từ cơ sở, cần tăng cường sự quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, trên địa bàn lãnh thổ ở cơ sở nói chung và phòng, chống dịch bệnh nói riêng. Thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn chính là biện pháp phòng, chống dịch cơ bản nhất cho mỗi cá nhân, gia đình, đơn vị, khu dân cư... Tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, trong đó, ý thức trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh và hành động thiết thực của mỗi thành viên ở cơ sở có vai trò quyết định đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không được hoang mang, dao động. Nếu thực hiện đúng thì dịch bệnh sẽ không lây lan.

Làm tốt những công việc nêu trên, mỗi cá nhân, gia đình, đơn vị… ở cơ sở là một pháo đài phòng, chống dịch.

M.T

.
.
.