.

Hãy bình tĩnh trước F0!

Cập nhật: 20:01, 17/07/2021 (GMT+7)

(ABO) Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi, với những diễn biến hết sức phức tạp thì bất cứ ai cũng có thể trở thành F0, F1, F2. Do đó, luôn xác định tâm thế mình có thể là F0, F1, không quá lo lắng, hoang mang, sợ hãi để có những ứng xử phù hợp. Hãy tuân thủ và chấp hành nghiêm sự điều hành, sắp xếp của cơ quan chức năng và các khuyến cáo phòng, chống dịch. Đó cũng là vừa đảm bảo an toàn cho chính mình, cho người thân và xã hội.

Cụ thể, vừa qua, xảy ra vụ hàng trăm công nhân của một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã đẩy hàng rào chắn cổng chạy ra ngoài trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ chỉ vì nghe tin có một công nhân làm việc tại doanh nghiệp này dương tính với SARS-CoV-2. Sau khi được lực lượng chức năng và doanh nghiệp thuyết phục, tất cả công nhân đã quay lại. Ngành Y tế đã thực hiện xét nghiệm đối với toàn bộ công nhân tại doanh nghiệp này.

Vụ việc xảy ra ở doanh nghiệp này cho thấy, hiểu biết về dịch bệnh của một bộ phận công nhân còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, đặc biệt là công tác ứng phó của doanh nghiệp khi xuất hiện ca nghi nhiễm đã bộc lộ một số bất cập. Chính 2 yếu tố này đã khiến công nhân hoang mang, lo lắng dẫn đến hành động bột phát.

Ảnh Internet1
Các công nhân xô rào chắn để ra về. Ảnh Internet

Tâm lý lo lắng, hoang mang trước thông tin khu vực mình ở và làm việc có trường hợp mắc Covid-19 cũng đã xảy ra ở rất nhiều nơi. Báo chí đã không ít lần phản ánh những trường hợp người dân vội vàng xách đồ đạc ra khỏi nhà khi nghe tin sắp bị phong tỏa, những người trốn khỏi nơi phong tỏa, cách ly do sợ lây nhiễm chéo. Hay như vì quá lo lắng, nhiều người dân đổ xô, chen lấn đi mua thực phẩm, đi xét nghiệm...

Những lo lắng, sợ hãi thái quá đó có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Ai dám khẳng định trong đám đông chen lấn xô đẩy nhau kia không có các F0, F1? Ai dám khẳng định mình đang không có mầm bệnh trong người? Và như vậy vô tình, họ đã tự rước bệnh cho mình, cho gia đình mình và cho những người xung quanh.

Hãy nhớ rằng, thêm một F0 là thêm gánh nặng cho cả hệ thống y tế, bởi đi theo đó là hàng chục, hàng trăm trường hợp F1, F2. Và lúc đó, sự tốn kém, những nguy hiểm tiềm ẩn cho bản thân và xã hội sẽ nhân lên gấp hàng chục, hàng trăm lần.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Tiền Giang, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi. Tính đến tối ngày 16-7, Tiền Giang có hàng trăm ca mắc và đã có 12 ca tử vong vì Covid-19. Vì vậy, không chỉ riêng Tiền Giang mà đồng loạt các tỉnh, thành đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Công nhân được test nhanh tầm soát bệnh Covid-19 (ảnh chụp tại Công ty TNHH Royal Foods, Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)
Công nhân được test nhanh tầm soát bệnh Covid-19 (ảnh chụp tại Công ty TNHH Royal Foods, Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: P. NGHI

Và mới đây nhất, ngày 17-7-2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện Chỉ thị 16 đối với toàn bộ 19 tỉnh thành phía Nam. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cùng với các địa phương TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện), bổ sung TP. Cần Thơ và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.  

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ ngày 19-7-2021.​

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chỉ đạo, phân công của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế; bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với các nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người theo quy định.

Quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.

Bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16. Chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K. Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.

Có thể thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các địa phương đang triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt, khẩn trương, nhằm nhanh chóng kiềm chế và đẩy lùi dịch Covid-19 đang. Vì vậy, đối với mỗi người dân lúc này, hiểu rõ, bình tĩnh và tin tưởng vào các biện pháp chống dịch mà các cấp, các ngành đã và đang nỗ lực thực hiện là rất cần thiết.

đừng vì cái lợi trước mắt của bản thân mà lãng phí, mất công sức của bao nhiêu con người đang ngày đêm phải hy sinh cuộc sống thường nhật của mình để tham gia chống dịch
Tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đừng vì cái lợi trước mắt của bản thân mà lãng phí, mất công sức của bao nhiêu con người đang ngày đêm phải hy sinh cuộc sống thường nhật của mình để tham gia chống dịch. (Ảnh: Thủy Hà - chụp tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang).

Mỗi người, hơn lúc nào hết, hãy vì bản thân và cộng đồng xã hội mà suy nghĩ kỹ trước mỗi hành động của mình, nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Dịch bệnh chưa bao giờ căng thẳng và nguy hiểm như hiện nay, bởi những biến thể mạnh hơn và dễ lây lan. Nếu đang ở vùng có dịch, đừng quá hoang mang, hãy để các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm và khám, chữa bệnh; hãy luôn trong tâm thế rất có thể bản thân trở thành F0, F1, F2 để có biện pháp ứng xử đúng, không nên quá hoang mang, hãy bình tĩnh đón nhận mọi thông tin về dịch bệnh; thực hiện đúng theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và nâng cao ý thức phòng, chống dịch hơn nữa.

Đừng vì lo lắng mà vội vã đổ xô đến các chợ truyền thống hay siêu thị để mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ cho những ngày giãn cách dẫn đến tình trạng tập trung đông người tại nơi mua sắm vào cùng một thời điểm, rất dễ lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch diễn biến khó lường, việc đi lại, giao tiếp trực tiếp cần hạn chế tối đa. Tìm hiểu các thông tin qua các trang mạng xã hội, các phương tiện thông tin là cần thiết, tuy nhiên mỗi cá nhân cần cẩn trọng, tỉnh táo chắt lọc, tiếp nhận thông tin chính thống, không để những thông tin không đúng sự thật, những “lập luận, phân tích” mang ý đồ xấu dẫn đến hoang mang và làm cho công tác tuyên truyền, phòng chống dịch của các cơ quan chức năng thêm phần khó khăn.

Tự khắc phục khó khăn trước mắt, ủng hộ các biện pháp của cơ quan chức năng, nghiêm chỉnh chấp hành các khuyến cáo của Bộ Y tế; nâng cao ý thức, đừng vì cái lợi trước mắt của bản thân mà lãng phí, mất công sức của bao nhiêu con người đang ngày đêm phải hy sinh cuộc sống thường nhật của mình để tham gia chống dịch là đòi hỏi lớn nhất trong thời điểm hiện nay và cũng là thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi người.

HỮU NGHỊ

.
.
.