.

Bài học về sự cống hiến

Cập nhật: 12:06, 07/07/2021 (GMT+7)

(ABO) Nếu như ở câu nghị luận xã hội, đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đã yêu cầu các sĩ tử viết về vấn đề “trân trọng cuộc sống mỗi ngày”, thì năm nay lại đề cập đến khía cạnh “phải biết sống cống hiến”. Đây cũng là một lát cắt hay, chạm đến trái tim của nhiều người, nhất là trong bối cảnh đất nước đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Nhìn ở một khía cạnh nào đó, cống hiến được xem là người biết bỏ qua những lợi ích cá nhân, sự ích kỷ tầm thường của bản thân để làm việc, đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Bởi, ai đó cũng đã nói rằng: “Con người sẽ trở nên hạnh phúc và thành công nhất khi được cống hiến”. Điều này càng có ý nghĩa khi được nhắc nhớ với các sĩ tử đang ngưỡng cửa bước vào đời. Đó cũng là bài học quý giá cho lứa tuổi thanh niên.

Tuổi trẻ Tiền Giang tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: LÝ OANH).
Tuổi trẻ Tiền Giang tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: LÝ OANH).

Nhìn vào chiều dài lịch sử của đất nước cũng đã chứng minh, thế hệ thanh niên Việt Nam đã hăng hái, xung phong vào trận mạc, dũng cảm đối mặt với sự khốc liệt, tàn ác của chiến tranh; hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giành lại độc lập, tự do, thiết lập bầu trời hòa bình ngày hôm nay.

Họ là những cô gái tuổi 18, 20 đã xung phong ra trận, những người chiến sĩ bộ đội mang trên mình quân phục xanh lá, những người lính lái xe đi qua những mưa bom bão đạn trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch... Không ít trong số họ cũng đã nằm lại ở chiến trường hoặc mang trên người ít nhiều thương tật sau những năm tháng chiến tranh ác liệt của đất nước. Tinh thần hăng hái, xông pha đầy gan dạ và dũng cảm của họ đã dệt nên những trang sử vàng đầy vẻ vang của dân tộc.

Trong thời đại ngày nay, với khát vọng cống hiến cháy bỏng, thế hệ trẻ Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng để đóng góp sức lực, trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ là những thanh niên xung kích tình nguyện đến với những bản làng xa xôi, hẻo lánh để thực hiện những chương trình từ thiện với mong muốn giảm bớt sự thiếu thốn, nghèo khổ của bà con dân tộc, miền núi. Họ là những cô giáo, thầy giáo trẻ tự nguyện dạy học chốn vùng cao để đem lại ánh sáng của tri thức, truyền đạt từng con chữ tới những trẻ em nghèo... Những cống hiến thầm lặng ấy cũng chỉ vì muốn đóng góp một phần công sức để xây dựng quê hương.

Không đâu xa hơn, trong những ngày đất nước đang trong giai đoạn căng mình chống dịch Covid-19, đông đảo người dân Việt Nam, bất kể người già hay trẻ, giàu có hay khó khăn họ vẫn chung tay, góp sức. Lớp lớp thanh niên, y, bác sĩ cũng xông pha ra trận để chống “giặc Covid-19” trên nhiều mặt trận khác nhau.

Những đóng góp, cống hiến của họ cho đất nước trong giai đoạn này cũng không thể cân, đo, đong, đếm hết. Xông pha trên nhiều mặt trận để chống dịch nhưng chắc rằng họ cũng chưa từng nghĩ sẽ được tôn vinh, dù họ rất xứng đáng, vì họ chỉ mong bình an sẽ đến với mọi người.

Nhưng suy cho cùng trên thực tế hiện nay cũng có không ít người, kể cả thanh niên xao nhãng, quên đi trách nhiệm của bản thân, ý thức đối với cộng đồng trong khi đất nước đang căng mình chống dịch. Tất nhiên, đó là những hiện tượng lệch lạc cần bị lên án, phê phán, chấn chỉnh, bài trừ.

Tuổi 18 tràn đầy nhựa sống, cái tuổi mới bắt đầu cho một chặng đường dài để cống hiến cho quê hương, đất nước. Bài học “phải biết sống cống hiến” được đặt ra trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ góp phần mang đến niềm tin mới cho thế hệ trẻ. Đó cũng là lý tưởng và chân lý sống cho thanh niên khi đứng trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Bởi ai đó đã từng nói: “Thước đo của đời người không phải thời gian mà là sự cống hiến”.

N.T

.
.
.