.

Sân Mỹ Đình và 20 năm thăng trầm

Cập nhật: 09:46, 08/01/2023 (GMT+7)

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình vừa trở thành “điểm nóng” trong hội nghị về đầu tư do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và tại buổi thảo luận về quy hoạch và tầm nhìn quốc gia. Tiếc là sự xuất hiện này không mang ý nghĩa tích cực như một điển hình về đầu tư và quản lý tài sản công.

a
Mặt cỏ của sân Mỹ Đình dù đã được thay mới nhưng nhanh chóng xuống cấp. Ảnh: P.MINH

Dù đã tròn 20 năm từ ngày sân Mỹ Đình thuộc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia cùng tên được đưa vào sử dụng chính thức từ SEA Games 22 - 2003, nhưng đây không phải là quãng thời gian dài đối với một công trình tầm cỡ như sân Mỹ Đình. Trong danh sách gần 30 sân bóng có sức chứa hàng đầu Đông Nam Á, sân Mỹ Đình có tuổi đời trẻ thứ 2 sau sân quốc gia mới xây năm 2014 của Singapore.

Tuy nhiên, trước khi quốc đảo sư tử xây sân mới để tổ chức SEA Games 2015, sân quốc gia cũ của bạn đã trải qua 43 năm tồn tại. Ngay trước khi sân cũ bị phá bỏ, Singapore cũng đã tổ chức AFF Cup 2007 với chất lượng và quy mô tốt hơn sân Mỹ Đình.

Các sân bóng được xếp vào “huyền thoại” của Đông Nam Á có Gelora Bung Karno của Indonesia, vừa tiếp đón Việt Nam tại bán kết lượt đi AFF Cup có sức chứa 80.000 chỗ, được xây dựng từ năm 1962. Sân Suparachai của Thái Lan sử dụng đến 60 năm trước khi chuyển giao quyền tổ chức các trận đấu của đội tuyển Thái Lan qua sân Rajamangala (xây từ 1998). Hai sân Bukit Jalil và Shah Alam của Malaysia đều được xây trước sân Mỹ Đình gần cả thập niên. Nhưng chưa có ai phàn nàn về chất lượng của các sân quốc gia đó.

a
Sân vận động Mỹ Đình gắn liền với nhiều sự kiện thể thao quan trọng của Việt Nam. Ảnh: P.MINH

Vì nếu chỉ đơn thuần là vấn đề mặt cỏ, đó lại là khâu dễ giải quyết nhất so với cấu trúc hay hạ tầng khác của một sân vận động. Lấy ví dụ như sân Lạch Tray ở Hải Phòng, vốn được xếp vào các sân có sức chứa lớn của Đông Nam Á, được xây từ năm 1953 nhưng vẫn có thể cải tạo mặt cỏ rất tốt.

Trở lại với sân Mỹ Đình. Ngay từ lúc chọn nhà thầu, cũng đã có những vấn đề tế nhị khi các đơn vị tham gia có những mức báo giá khá chênh lệch nhau và cuối cùng, nhà thầu bỏ giá thấp nhất được chọn. Xét về tính thời điểm, đây cũng là lựa chọn hợp lý, vì để tổ chức SEA Games 22, chúng ta phải bỏ ra một số tiền rất lớn xây dựng Khu Liên hiệp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình chứ không chỉ là sân bóng và đường chạy điền kinh.

Tuy nhiên, kiến trúc của sân Mỹ Đình nhanh chóng lỗi thời nếu so sánh với sân bóng của các quốc gia trong khu vực. Tiêu biểu như việc không có mái che ở khán đài C và D khiến cho việc lắp đặt các thiết bị ghi hình bị hạn chế. Không có hệ thống mái khép kín, nên xảy ra trường hợp gió lốc vào sân, tác động đến các yếu tố kỹ thuật trong thi đấu. Cũng vì vậy mà mặt cỏ sân Mỹ Đình luôn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết do khuôn viên sân quá rộng.

Trong 20 năm qua, việc khai thác công năng của sân Mỹ Đình vô cùng hạn chế. Có mùa giải, đội Thể Công Viettel chọn làm sân nhà nhưng vì quá rộng mà khán giả lại ít, nên CLB này quyết định quay về sân Hàng Đẫy. Sân Mỹ Đình chỉ phục vụ duy nhất đội tuyển quốc gia hoặc U23 cùng các giải vô địch điền kinh mỗi khi diễn ra tại Hà Nội.

Như vậy, dù thủ đô chỉ có 2 sân bóng đạt chuẩn, một con số vô cùng thấp so với quy mô dân cư, nhưng chỉ có sân Hàng Đẫy là liên tục sáng đèn. Cá biệt như ở mùa giải V-League sắp đến, có đến 3 CLB chọn Hàng Đẫy làm sân nhà. Và như vậy, bài toán ngân sách để duy tu, bảo dưỡng sân Mỹ Đình trong 20 năm qua không hề thay đổi.

Sân Mỹ Đình là nơi chứng kiến những giọt nước mắt của dàn cầu thủ U23 trong trận chung kết với Thái Lan tại SEA Games 22, nhưng sau đó, cũng đã chứng kiến 2 lần đăng quang AFF Cup 2008 và 2018. Tại sân bóng này, đội tuyển Việt Nam đã từng đánh bại UAE, cầm hòa Qatar để vào tứ kết Asian Cup lần đầu hồi năm 2007.

Hai kỳ SEA Games tổ chức ở Việt Nam, sân Mỹ Đình cũng là nơi đánh dấu sự trỗi dậy thần tốc của điền kinh Việt Nam. Nói cách khác, sân Mỹ Đình đã làm tốt sứ mệnh của mình với tư cách là sân vận động quốc gia, nhưng chính vì thế, chứng kiến mặt sân kém chất lượng tại AFF Cup 2022 khiến người hâm mộ thể thao cảm thấy chạnh lòng cho một công trình từng mang dấu ấn của Việt Nam phát triển, từng được kỳ vọng là biểu tượng thể thao quốc gia.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.