.
NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM 21-4:

Lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc

Cập nhật: 10:53, 21/04/2023 (GMT+7)

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 tiếp tục được tổ chức nhằm khẳng định tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao tri thức; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Năm 2023, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức lần thứ 2, từ ngày 15-4 đến 1-5 với chủ đề “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” - “Sách cho tôi, cho bạn”.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG

Để tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 75 về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc triển khai hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn trong năm 2023 tại các địa phương; trong hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo, thư viện công cộng; lực lượng vũ trang; các tổ chức Hội, đoàn thể, tạo sự hưởng ứng sâu rộng trong toàn tỉnh, nhằm phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.

Ngày hội Đọc sách và Vẽ tranh cho thiếu nhi vừa diễn ra tại Trường THCS Phú Đông (huyện Tân Phú Đông).
Ngày hội Đọc sách và Vẽ tranh cho thiếu nhi vừa diễn ra tại Trường THCS Phú Đông (huyện Tân Phú Đông). Ảnh: Quang Minh

Huy động mọi nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của xuất bản điện tử; đưa ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, kết nối các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 2 từ Trung ương tới địa phương; đa dạng hóa các hình thức phát hành để đưa sách đến với người sử dụng. Việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, các cơ quan, tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Theo đó, các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay diễn ra khá phong phú trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Thư viện tỉnh Tiền Giang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Ngày hội Đọc sách và Vẽ tranh cho thiếu nhi chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) lần thứ 2 năm 2023 tại Trường THCS Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) và Trường Tiểu học Phú An (huyện Cai Lậy) cho hơn 1.000 học sinh, có hơn 1.200 bản sách với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Các em được chọn một quyển sách và vẽ tranh theo nhiều chủ đề. Ngày hội nhằm giúp học sinh tăng khả năng sáng tạo, làm quen với sách, xây dựng thói quen đọc sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường.

Ảnh: Quang Minh
Ngày hội Đọc sách và Vẽ tranh cho thiếu nhi vừa diễn ra tại Trường THCS Phú Đông (huyện Tân Phú Đông). Ảnh: Quang Minh

Bên cạnh đó, còn diễn ra các hoạt động như: Hội thi kể chuyện sách; vận động đóng góp sách, thăm và tặng sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt; các đơn vị in và phát hành sách chủ động tham gia các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tổ chức tháng tri ân khách hàng, tháng phát hành, tuần lễ phát hành sách, treo băng rôn chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tổ chức các kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sách…

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Nguyễn Chí Định, thông qua việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội. Tuyên truyền, hưởng ứng Ngày hội Đọc sách, nhằm tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc, đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong toàn thể học sinh; tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, qua đó góp phần thực hiện phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Tổ chức cho học sinh được tìm hiểu về truyền thống lịch sử của địa phương, đất nước thông qua các hoạt động trải nghiệm, tạo ra một không gian trí tuệ và bổ ích từ đó thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường.

NGÀY SÁCH VIỆT NAM NGHĨ VỀ VĂN HÓA ĐỌC

Đọc sách là một quá trình tích lũy và nâng cao tri thức; là cơ hội để mỗi người được tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ. Dân tộc Việt Nam vốn hiếu học và ham đọc sách, đó là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, truyền thống quý báu ấy đang dần bị mai một.  

Đối với Việt Nam, sách và văn hóa đọc sách là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, ngoài sách con người còn tiếp thu thông tin qua các phương tiện khác như truyền hình, phim ảnh, Internet... Và những phương tiện nghe nhìn đó đang tỏ ra có nhiều ưu thế, hấp dẫn hơn so với sách, đang có xu hướng lấn át sách và thói quen đọc sách của người Việt đang bị mất dần, nhất là thế hệ trẻ. Nếu như trước kia, sách là một trong những món quà quý giá mà trẻ nhỏ háo hức, mong ước; thì nay những món quà đám trẻ mong muốn thường là các trò chơi điện tử, những chiếc điện thoại thông minh, những cuộc vui chơi giải trí…

Ảnh: Quang Minh
Ngày hội Đọc sách và Vẽ tranh cho thiếu nhi vừa diễn ra tại Truờng Tiểu học Phú An (huyện Cai Lậy). Ảnh: Ngọc An

Để phát huy truyền thống hiếu học và ham đọc sách của dân tộc ta, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 284 lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. Theo đó, Ngày sách Việt Nam được tổ chức nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Qua 2 lần tổ chức, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã được các cấp, các ngành, địa phương tích cực hưởng ứng, nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực đã được diễn ra, góp phần xây dựng không gian văn hóa lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho nhiều đối tượng bạn đọc; khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, qua đó góp phần xây dựng một xã hội học tập.

Tuy nhiên, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam chỉ là một sự kiện góp phần tạo động lực, cú hích cần thiết để dấy lên phong trào đọc sách trong xã hội, nhất là ở giới trẻ. Còn để khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân một cách bền vững; coi việc đọc sách là một nét văn hóa cao đẹp, thì đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt và thiết thực.

Việc lấy ngày 21-4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận.

Việc chọn Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.

Thời gian qua, Tiền Giang đã chú trọng nhiều giải pháp phát triển văn hóa đọc cho trong cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Cụ thể năm 2018, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 115 về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2023, Tiền Giang có 30% người dân ở khu vực nông thôn, 25% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành. Trên 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời.

Phấn đấu đạt 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng, trung bình mỗi người dân đọc 5 cuốn sách/năm. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản phẩm in và điện tử); cơ sở vật chất, trang thiết bị trong hệ thống thư viện công cộng được nâng cao…

Mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

HỮU NGHỊ

.
.
.