.

Vượt qua khuyết tật để sống có ích

Cập nhật: 09:48, 22/08/2018 (GMT+7)

Đó là chị Mai Thanh Nhàn và anh Nguyễn Khắc Phục, 2 trong rất nhiều người sinh ra và lớn lên không may có cơ thể bị khiếm khuyết. Nhưng bằng nghị lực và tài năng, họ đã không đầu hàng số phận mà luôn nỗ lực vươn lên thành những người có ích cho xã hội.

*ANH NGUYỄN KHẮC PHỤC: Tạo niềm tin cho người câm điếc

Bị câm điếc bẩm sinh, anh Nguyễn Khắc Phục luôn cho rằng, bản thân anh chỉ là người bị khiếm khuyết. Do đó, anh quyết tâm học tập, làm việc để có thể tự phục vụ bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội.

Vượt qua mặc cảm, anh Phục đã chinh phục “con chữ” bằng cả hành trình đầy gian nan. Anh cho biết: “Năm lên 8 tuổi, tôi được ba mẹ cho đi học ở Trường Khuyết tật Hy Vọng tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh). Sau 9 năm theo học tại trường, tôi lên cấp II và được tuyển chọn theo học chương trình của Dự án Đào tạo đại học cho người điếc Việt Nam do Hãng Nippon Nhật Bản tài trợ. Sau 12 năm học tôi tốt nghiệp THPT. Sau đó, phải mất 4 năm theo học chương trình đào tạo ngành Sư phạm hệ Cao đẳng do Dự án liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, tôi mới tốt nghiệp ra trường”.

Từ khi ra trường đến nay, anh Phục về công tác, làm giáo viên giảng dạy ở Trường Khuyết tật Nhân Ái (TP. Mỹ Tho). Vào năm 2010, anh Phục còn xúc tiến thành lập CLB Người điếc tỉnh Tiền Giang. Đến nay, CLB này do anh làm chủ nhiệm có hơn 100 thành viên tham gia sinh hoạt. “Hằng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần. Tham gia vào CLB, các thành viên được học tập, hướng nghiệp, giao lưu, văn nghệ, thể thao… Từ đó, giúp cho các thành viên CLB rèn luyện nhân cách sống, ý chí phấn đấu và tự tin hòa nhập cuộc sống” - anh Phục cho biết.

Từ thực tế bản thân, anh Phục mong muốn, các bạn trẻ cùng hoàn cảnh bị câm điếc sẽ được gia đình và các tổ chức xã hội quan tâm hơn;  đồng thời, được chăm sóc và cho đi học để các bạn có được cơ hội mở mang hiểu biết, vượt qua sự tự ti, mặc cảm, hòa nhập tốt với cộng đồng.

* CHỊ MAI THANH NHÀN: Nữ giám đốc có đôi chân bị liệt

ôi chân của chị Mai Thanh Nhàn bị liệt khi mới 3 tuổi do căn bệnh sốt bại liệt. Với đôi chân khuyết tật, chị Nhàn đã có cả một thời tuổi thơ đầy mặc cảm và khó khăn. Chị phải đến trường trên tấm lưng của cha. Do mặc cảm và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Nhàn chỉ theo học hết lớp 5. Dù nghỉ học sớm nhưng với nghị lực vượt khó và khát khao được mở mang kiến thức, chị Nhàn đã tự mày mò, học tập tại nhà. Ngoài ra, chị còn đăng ký học tin học và ngoại ngữ tại các trung tâm, trường học. 

Để không là gánh nặng của gia đình, năm 17 tuổi, chị Nhàn đi học nghề may và nhận quần áo về may gia công tại nhà. Sau bao năm gắn bó với nghề may gia công, chị Nhàn đã tích lũy cho bản thân rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó, năm 2006, chị Nhàn mạnh dạn vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Bè và huy động vốn từ người thân để thành lập xưởng may gia công quần áo, với 30 công nhân làm việc. 

Không bằng lòng với việc gia công qua nhiều đầu mối, chị Nhàn lại bắt tay vào việc tìm kiếm đối tác thông qua nhiều kênh thông tin và cả trên internet để có thể ký kết hợp đồng gia công quần áo trực tiếp. Bằng cả sự quyết tâm, chị Nhàn cũng đã may mắn được một công ty dệt may ở TP. Hồ Chí Minh nhận ký kết hợp đồng gia công. “Tuy hợp đồng đầu tiên giá trị không lớn nhưng tôi cảm thấy rất mừng, vì mong ước của mình đã thành hiện thực. Từ bước đệm này, xưởng may bắt đầu hoạt động ổn định với doanh thu tăng dần và phát triển quy mô sản xuất trở thành Công ty TNHH MTV Thương mại sản xuất Thanh Nhàn (xã An Thái Đông, huyện Cái Bè) cho tới nay” - chị Nhàn chia sẻ.

Với vai trò là giám đốc công ty, chị Nhàn luôn thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, đưa công ty ngày càng phát triển. Trong đó, có nhiều hợp đồng gia công được ký kết mang về doanh thu cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, công ty của chị Nhàn hiện còn tạo việc làm cho hơn 100 công nhân là người dân ở xã An Thái Đông và các xã lân cận với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

P. MAI - C.THẮNG

.
.
.