Thứ Sáu, 01/05/2020, 15:22 (GMT+7)
.

Đất không phụ người

Sống ở vùng “đồng khô cỏ cháy” Đồng Tháp Mười, gia đình ông Nguyễn Văn Ngự (ấp 3, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) từng có một thời phải tha phương làm thuê, thậm chí đi mót lúa kiếm sống. Nhưng nhờ cần mẫn, chịu khó mà gia đình ông thoát nghèo và trở nên giàu có.

Ông Ngự cho biết: “Quê ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy), năm 1982 trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, tôi được đưa về Quân đoàn 4 rồi qua Campuchia. Năm 1985, khi xuất ngũ về địa phương, gia đình nghèo quá, không có đất canh tác nên được chính quyền hướng dẫn vào đây khẩn đất”.

Vợ chồng và con ông Ngự đang tưới khóm.
Vợ chồng và con ông Ngự đang tưới khóm.

ĐẦU TẮT MẶT TỐI VẪN KHÔNG CÓ DƯ

Hồi đó, ông khẩn được bao nhiêu đất? - tôi hỏi. Ông cho biết, lúc đầu gia đình khẩn 1,5 ha, sau đó đào kinh, xẻ rạch còn khoảng 1,25 ha.

Thời gian đầu, ông trồng khoai mì, khoai mỡ, nhưng chỉ trồng được vài công vì không có vốn để khai hoang. Hồi đó, vùng này chỉ có vài con kinh nhỏ xíu, mùa nắng nước phèn vàng cháy, không thấy bóng một con cá. Cỏ năn, lác mọc qua đầu. Đến năm 1994, ông bắt đầu sạ lúa nhưng bị thất bại nên cả nhà phải bỏ đi làm thuê kiếm tiền mua gạo hằng ngày.

Sống bấp bênh một thời gian thì ông thuê được 5 công đất làm lúa ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An và trụ lại ở đây được 7 năm, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Vợ ông Ngự kể: “Đêm nào ổng cũng ra đồng soi cá, ếch bán kiếm thêm tiền sinh sống. Cứ sống lay lắt như vậy cho tới năm 1997 cả nhà mới đùm túm về đây. Hồi đó, nhà nghèo lắm, vợ chồng đầu tắt mặt tối vẫn không có dư”.

Sợ tôi không tin, vợ ông Ngự nói thêm: “Hồi mới về đây, gia đình làm lúa không đủ ăn. Mùa nào cũng vậy, vừa thu hoạch xong phải bán hết để trả tiền phân, thuốc mà vẫn không đủ. Lúc đó, nước phèn đặc quánh, mỗi lần tắm mấy đứa con khóc ré vì cay mắt. Bấy giờ Nhà nước cứu trợ cho nhà tôi chiếc xuồng be 8. Từ đây về quê mười mấy cây số mà tôi bơi xuồng bằng tay, không sắm nổi cái máy. Chuyến trở về bà con ai cho gì cũng lấy, chở đầy xuồng nên dọc đường người ta thấy tưởng mua ve chai nên kêu lại bán”.

THOÁT NGHÈO TỪ CÂY KHÓM

Khi về lại Tân Phước, hằng ngày ông Ngự đi làm mướn, còn vợ ông thì qua huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An mót lúa. Bước ngoặt xảy ra từ năm 2006 khi chính quyền hướng dẫn chuyển đổi cây trồng. Từ khoai mì, khoai mỡ, trồng lúa, chuyển sang trồng khóm, người dân bắt đầu đủ ăn và nhiều người giàu lên.

Khi chuyển sang trồng khóm, nhà ông Ngự không có tiền để đào mương, lên liếp nên được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ngân hàng. May mắn, khi ông thu hoạch gặp lúc khóm bán được giá. “Năm 2006, khi tôi thu hoạch khóm lần đầu tiên chỉ bán được 1.400 đồng/kg, rồi từ năm 2007, 2008 bán được giá luôn. Cứ 2 tháng thu hoạch một lần, một năm kiếm được tiền tỷ. Năm vừa rồi vì ruộng khóm mới trồng lại nên tôi chỉ bán được hơn 800 triệu đồng. Riêng năm nay, 4 ha khóm của tôi chắc kiếm từ 1 tỷ đồng trở lên” - ông Ngự cho hay.

Tôi thắc mắc: “Lúc đầu, ông nói 1,25 ha, giờ ở đâu ra tới 4 ha? Ông Ngự giải thích: “Mấy năm nay, vợ chồng tôi dành dụm, tích cóp mua thêm đất. Hồi năm 2016, tôi mua thêm được một lô giá 600 triệu đồng. Đến năm 2019, tôi mua thêm một lô giá 1,2 tỷ đồng. Giờ có người trả giá ngoài 2 tỷ đồng một lô rồi đó nhưng tôi không bán. Nông dân mà không có đất lấy gì sống, mua thêm được miếng nào giữ miếng đó”.
Khi tôi thắc mắc vì sao mấy năm qua nhiều người trồng khóm than lỗ, còn ông thì làm giàu, vợ ông Ngự xen lời: “4 ha đất này vợ chồng con cái tôi làm công nhà không đó. Lô nào có cỏ thì làm trước, xong lô này thì qua lô khác, xoay vòng. Vì vậy nên vợ chồng tôi lúc nào cũng ở ngoài đồng”.

Hỏi về kinh nghiệm trồng khóm, ông Ngự cho biết, ngoài bệnh vàng lá, cây khóm còn bị cháy nám vào mùa nắng, làm cho trái khóm bị nổ mắt, hư bên trong. Người trồng phải thường xuyên theo dõi để phát hiện kịp thời các tình trạng này. Thường từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, mặt trời chiếu, trái khóm bị rám vàng. “Phải lấy cỏ phủ lên từng trái khóm. Nếu không che nắng thì đến khi thu hoạch, trái khóm sẽ bị khô, bán không được. Nếu thời điểm giá khóm 10.000 đồng/kg thì trung bình mỗi trái khóm chừng 1,5 kg, mình mất 15.000 đồng” - ông Ngự cho biết.

Vợ chồng ông Ngự tự hào rằng, nhờ chịu khó, cần mẫn, nên năm nào gia đình ông cũng trúng mùa. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, nếu giá khóm khoảng 3.000 đồng/kg là coi như phá huề; còn giá thấp hơn thì bị lỗ. Giá 4.000 đồng/kg thì người trồng sống được, còn giá từ 8.000 đồng/kg trở lên như năm nay là lời nhiều. Cũng có những thời điểm khóm bị rớt giá thì ông… hên, vì lúc đó ruộng khóm của ông chưa tới kỳ thu hoạch!

Ngoài trồng khóm, gia đình ông Ngự còn chăn nuôi khá giỏi. Hôm chúng tôi ghé thăm, trong chuồng heo nhà ông Ngự còn 5 con heo thịt, 3 con heo nái; đồng thời, đang nuôi 4 con bò nái và 2 con bò con.

MINH ANH

.
.
.