.

Doanh nghiệp quan tâm bữa ăn cho công nhân

Cập nhật: 10:33, 04/06/2021 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai các biện pháp để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho công nhân với phương châm “Bảo vệ sức khỏe của công nhân, lao động (CNLĐ) chính là bảo vệ sức mạnh của DN mình”.

NÂNG CHẤT BỮA ĂN

Công ty TNHH Royal Foods Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Tho, TP. Mỹ Tho) nhiều năm qua được xem là một trong những DN quan tâm, chăm lo CNLĐ với nhiều chế độ, chính sách khá tốt, trong đó bữa ăn cho CNLĐ được chú trọng.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty Võ Thị Mai Khanh cho biết, công ty có tổ chức nấu ăn giữa ca, tăng ca cho CNLĐ, với định mức 20 ngàn đồng/suất ăn giữa ca và 17 ngàn đồng/suất ăn tăng ca, khẩu phần ăn đầy đủ 3 món: Kho, xào và canh. Ngoài ra, nhằm đảm bảo vệ sinh, nâng chất bữa ăn, công ty còn thành lập Đội An toàn vệ sinh căn tin gồm các thành viên là những người làm y tế, giám sát, tổ trưởng các bộ phận của công ty. Hoạt động của đội là kiểm tra chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), bao gồm: Nguyên liệu đầu vào, thành phẩm bữa ăn, nguồn nước, bảo hộ lao động…

Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Hương) thiết kế vách ngăn trên mỗi bàn ăn nhằm phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19.
Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) thiết kế vách ngăn trên mỗi bàn ăn nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) cũng tự tổ chức bếp ăn cho CNLĐ. Hằng năm, nhân viên bếp ăn của công ty đều được kiểm tra sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Nguyên liệu đầu vào chỉ được tiếp nhận khi công ty đã có ký kết hợp đồng với nhà cung cấp có chứng nhận, được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa vào chế biến.

Hằng ngày, nhân viên y tế công ty kiểm tra, giám sát, ghi nhật ký và lưu mẫu theo quy định. Thường xuyên tăng cường thêm khẩu phần cho cán bộ, nhân viên như trái cây, yaourt… vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần. Đặc biệt, vào thứ năm hằng tuần, công ty còn tổ chức cho CNLĐ ăn buffet.

Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal Nguyễn Minh Tân Như chia sẻ: “Ông bà ta thường nói “Có thực mới vực được đạo”, có ăn no mới đủ sức lao động, trong DN cũng vậy, CNLĐ có ăn ngon, có sức khỏe tốt mới đảm bảo được sản xuất. Hiện tại, định mức suất ăn của CNLĐ ở công ty khoảng 20 ngàn đồng/suất. Dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19, với kinh phí eo hẹp, nhưng Ban Giám đốc và CĐCS công ty vẫn luôn cố gắng tổ chức bữa ăn cho CNLĐ đảm bảo chất lượng.

Còn theo anh Nguyễn Văn Bé Ba, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành), ngoài việc luôn đảm bảo chất lượng bữa ăn cho CNLĐ thì trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để tránh lây nhiễm dịch bệnh trong lúc ăn, công ty đã thiết kế và lắp đặt thêm tấm chắn, vách ngăn ở mỗi bàn ăn; đồng thời, chia giờ ăn theo ca để không tập trung đông CNLĐ ăn cùng một lúc. Trước khi ngồi vào bàn ăn, CNLĐ phải rửa tay và tuyệt đối không được trao đổi khi ăn. 

TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT BẾP ĂN TẬP THỂ

Để đảm bảo ATVSTP cũng như chất lượng bữa ăn cho CNLĐ, thời gian qua, Chi cục ATVSTP tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thẩm định bếp ăn tập thể trong các công ty về các quy định, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, để tham mưu Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Phối hợp với các đơn vị có liên quan, tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đánh giá về các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm đảm bảo cho hoạt động chế biến, cung cấp thực phẩm cho CNLĐ đang làm việc tại các DN.

Trong quá trình kiểm tra, Chi cục ATVSTP tỉnh Tiền Giang kết hợp tuyên truyền, phát tờ rơi về cách thức chế biến, lựa chọn thực phẩm an toàn cho bếp ăn và CNLĐ. Đồng thời, phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh giám sát và tuyên truyền vận động CNLĐ tham gia ăn ở bếp ăn tập thể ở các công ty, hạn chế tình trạng mang thức ăn từ bên ngoài vào sẽ tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Tiền Giang Trịnh Phong Danh đánh giá, nhìn chung, các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Y tế đều nắm được các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Người dân cũng có ý thức hơn về tầm quan trọng của việc sử dụng thực phẩm an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, cũng còn tình trạng một số cơ sở chưa tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và trong năm 2020, Chi cục ATVSTP tỉnh đã xử phạt 9 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, với tổng số tiền hơn 68 triệu đồng.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang, đơn vị cũng đã xây dựng Kế hoạch 269 về việc giám sát tại các DN trên địa bàn tỉnh năm 2021, trong đó có giám sát về tổ chức bếp ăn tập thể, bữa ăn ca của người lao động tại DN, với nội dung giám sát gồm: Chất lượng, định mức bữa ăn; bếp ăn phải đảm bảo hồ sơ thủ tục theo Luật An toàn thực phẩm… Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã hướng dẫn các CĐCS đưa định mức bữa ăn ca vào Thỏa ước Lao động tập thể. Đến nay, có 295 CĐCS DN thương lượng điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca lên bằng hoặc cao hơn 15 ngàn đồng/suất, trong đó có 174 CĐCS DN đã đưa vào Thỏa ước Lao động tập thể.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các DN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, yêu cầu các bếp ăn tập thể ở các DN thực hiện đúng quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. CĐCS các DN phát huy vai trò giám sát bữa ăn ca của CNLĐ, đảm bảo chất lượng bữa ăn đi đôi với ATVSTP. Bên cạnh đó, DN cần lựa chọn và ký kết hợp đồng cung cấp với những hộ sản xuất, cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, giấy chứng nhận an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. DN tiếp tục cân đối để tăng mức chi cho suất ăn, nhằm nâng chất bữa ăn cho người lao động...

LÝ OANH

.
.
.