"Điểm tựa" vững chắc cho người lao động lúc rủi ro
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là một trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được quy định trong Luật BHXH, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động (NLĐ) khi NLĐ bị TNLĐ-BNN. Với ý nghĩa thiết thực đó, chính sách này đã tạo“điểm tựa” vững chắc, giúp rất nhiều NLĐ vượt qua khó khăn.
Công tác giải quyết hưởng chế độ TNLĐ-BNN đối với NLĐ luôn được cơ quan BHXH đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng người, đúng quy định. Theo thống kê, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng và 1 lần cho trên 8.100 NLĐ trong năm 2022 và gần 1.700 NLĐ trong 3 tháng đầu năm 2023.
Riêng tại Tiền Giang, trong năm 2022, BHXH tỉnh đã giải quyết hưởng mới 108 trường hợp cho NLĐ (trong đó trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng cho 9 NLĐ và 1 lần cho 88 trường hợp NLĐ, trợ cấp chết do TNLĐ-BNN 11 người); giải quyết cho 31 NLĐ trong 3 tháng đầu năm 2023.
BHXH tỉnh Tiền Giang thông tin về chế độ BHXH, bảo hiểm y tế cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 4-2023. |
Ngoài việc chi trả chế độ cho NLĐ bị TNLĐ-BNN, Quỹ bảo hiểm TNLĐ- BNN hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN. Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số chi này là 269 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo định kỳ hằng năm, BHXH tỉnh Tiền Giang phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, như: Liên đoàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội… tổ chức Hội nghị tập huấn công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Qua đó, tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc; nâng cao năng lực, kịp thời xử lý tình huống phát sinh tại đơn vị để bảo vệ sức khỏe NLĐ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; các chính sách, chế độ BHXH, BHYT có liên quan đến công tác ATVSLĐ cho công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh.
Dù NLĐ không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều NLĐ. Mỗi NLĐ đều là trụ cột của gia đình, khi không may bị TNLĐ hay BNN phải nghỉ làm, hầu hết NLĐ không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình. Vì vậy, nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là NLĐ và thân nhân trước những rủi ro về TNLĐ-BNN, Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do TNLĐ-BNN trên cơ sở đóng góp vào quỹ.
Theo quy định hiện hành của Luật ATVSLĐ, đối với những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều phải tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN. Nếu như người sử dụng lao động mà không đóng BHXH cho NLĐ thì khi chẳng may trong quá trình lao động, NLĐ bị TNLĐ hoặc BNN thì người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hằng tháng, một lần, trợ cấp phục vụ cho NLĐ thay cho cơ quan BHXH.
Bảo hiểm TNLĐ-BNN là một trong những quyền lợi cơ bản của NLĐ, vì vậy khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, NLĐ hãy chắc chắn người sử dũng lao động sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng BHXH cho mình, như vậy mới có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quá trình làm việc.
BHXH TỈNH TIỀN GIANG