.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế và lao động

Cập nhật: 21:07, 25/07/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai, góp phần thực hiện bình đẳng giới và đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, bình đẳng giới giữa nam và nữ trong lĩnh vực kinh tế và lao động là một nỗ lực.

PHÁP LUẬT BẢO HỘ

Luật Bình đẳng giới đã quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế và lao động. Theo đó, trong lĩnh vực kinh tế, nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật; lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.

Lao động nữ ngày càng được cải thiện về điều kiện làm việc. (Ảnh: công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần May  Việt Tân, TX. Cai Lậy).                                                                                                                                                                                                      Ảnh: H.NGHỊ
Lao động nữ ngày càng được cải thiện về điều kiện làm việc. (Ảnh: công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần May Việt Tân, TX. Cai Lậy). Ảnh: H.NGHỊ

Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, luật quy định nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.

Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ; người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Bên cạnh đó, căn cứ vào điều 135 Bộ luật Lao động năm 2019, chính sách nhà nước đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới được quy định cụ thể như sau: Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.

Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế.

Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

Ngoài ra, điều 136 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới. Theo đó, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.

Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc; giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.

NỖ LỰC HƠN NỮA

Ở nước ta, công việc đặc thù của phụ nữ thường bị đánh giá thấp hơn nam giới. Phụ nữ thường làm việc trong các ngành, nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương, ít được tiếp cận đến các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm hơn so với nam giới.

Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 cho thấy, thực trạng khoảng cách thu nhập theo giới của Việt Nam cũng có xu hướng giãn rộng. Năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,7 triệu đồng; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,7 triệu đồng. Như vậy, tiền lương bình quân tháng của lao động nam cao hơn nữ trung bình khoảng 2 triệu đồng.

Như vậy, có thể nói dù đã có nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động ở nước ta vẫn còn khá rõ nét, đòi hỏi phải được giải quyết để tạo động lực phát triển cho nền kinh tế đất nước.

Tại Tiền Giang, mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động trong những năm qua cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Thông tin từ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, năm 2022, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 33,5% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn; 100% nữ chủ hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương trong năm 2022 đạt 48,8%…

Mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang sẽ tăng tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương lên 50%; đồng thời, giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trên tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30%.

THỦY HÀ

.
.
.