Thứ Tư, 20/05/2015, 14:29 (GMT+7)
.
XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH KHU TÁI ĐỊNH CƯ KINH XÁNG CỤT:

Cần xem xét lại 2 hộ bị giải tỏa trắng trên đường Hoàng Hoa Thám

Công trình Khu tái định cư Kinh Xáng Cụt phường 3 (khu LIA 13B), thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án TP. Mỹ Tho có nguồn vốn đầu tư từ vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước thuộc ngân sách Trung ương và địa phương; chi phí bồi thường được thực hiện từ nguồn vốn đối ứng trong nước.

Nhà ông Lễ (bên trái ) và nhà bà Bình (chính giữa).
Nhà ông Lễ (bên trái ) và nhà bà Bình (chính giữa).

Ngay từ đầu, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và Tái định cư (BTHT&TĐC) đưa ra chủ trương, đơn giá bồi thường, hỗ trợ, đã được đa số người dân đồng tình. Tuy nhiên, hộ bà Võ Thị Bình (nhà số 7L6) và hộ ông Vương Hữu Lễ (nhà số 7L8) còn thắc mắc. Nguyên nhân vì sao?

BỨC XÚC

Ông Vương Hữu Lễ cho biết: Năm 2013, khi có chủ trương giải tỏa những hộ lấn chiếm kinh để thực hiện công trình Khu tái định cư Kinh Xáng Cụt, nếu hộ nào bị ảnh hưởng mặt bằng phạm vi 25 m tính từ mốc lộ giới (dù đổ đất hay đổ sàn) cất nhà ở đều được đền bù, hỗ trợ như nhau; còn vật kiến trúc thì dựa vào giá trị thực tế của từng công trình mà đền bù.

Nhưng khi tiến hành bồi thường thì hộ đổ đất được đền bù giá đất ở đô thị, còn hộ đổ sàn thì đền bù vật kiến trúc. Cho nên, những hộ “đổ đất” chỉ cần đập bỏ phần thừa phía sau nhà là được bồi thường vài ba trăm triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa lại nhà. Hiện tại, trên đường Hoàng Hoa Thám có hàng chục hộ đang xây dựng nhà mới, nâng cấp, sửa chữa sau khi ký nhận tiền đền bù, hỗ trợ.

“Riêng trường hợp của tôi, tổng diện tích thửa đất theo hiện trạng là 64,3 m2, trong đó diện tích giải tỏa là 58,7 m2, diện tích còn lại là 5,6 m2. Nhưng khi áp giá bồi thường chỉ tính có 22,4/58,7 m2, với số tiền 173.699.600 đồng, không thể mua lại được đất ở đường Hoàng Hoa Thám hay một vị trí tương đương” - ông Lễ bức xúc.

Còn bà Võ Thị Bình, chủ hộ 7L6 cho biết, gia đình bà ở trên mảnh đất này đã 50 năm. Nhà mới xây kiên cố (1 trệt, 1 lầu), tổng diện tích sử dụng trên 200 m2, nhưng chỉ bồi thường 24,40/88,6 m2 với giá 200.660.000 đồng.

“Nếu nhà tôi không bị giải tỏa trắng, tôi không cần đền bù. Gia đình tôi bị thiệt hại quá lớn, nhà phải đập bỏ hết, di dời đi nơi khác nên số tiền trên không thể mua lại đất ở một vị trí tương ứng. Trong khi đó, hộ 7L4 hay hộ 3/2 (cũng giải tỏa trắng) thì được hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng hơn” - bà Bình nói.

TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Hầu hết những hộ sống trên đường Hoàng Hoa Thám bị ảnh hưởng được đền bù, hỗ trợ đều phấn khởi cho biết: Kinh Xáng Cụt là đất công, do Nhà nước quản lý, nhưng lâu nay không còn sử dụng nên người dân ở đây “mạnh ai nấy lấn” bằng nhiều hình thức như: đổ đất cất nhà, làm sàn gỗ hoặc bê tông để cơi nới nhà cửa, làm công trình phụ hoặc chăn nuôi trên đó.

Nay Nhà nước thu hồi một phần nhưng có chính sách đền bù thỏa đáng nên người dân rất đồng tình. Chỉ có điều người dân còn “so bì” là hộ đổ đất cất nhà thì được đền bù giá “đất ở đô thị” rất cao, còn người đổ sàn bê tông để cất nhà, tiền bỏ ra không thua gì đổ đất (thậm chí còn cao hơn) nhưng lại đền bù giá sàn thì chưa thật công bằng cho lắm.

Chị Võ Thu Hà (nhà số 9L3A) cho biết, nhà chị bị ảnh hưởng một phần phía sau (nền đổ đất) được hỗ trợ, đền bù 200 triệu đồng hay nhà ông Võ Đông Triều (liền kề nhà chị Hà) cũng bị ảnh hưởng một phần nhà sau (nền đổ đất) được bồi thường trên 380 triệu đồng.

Chị Hà nói: Từ khu vực nhà chị ngược lên đầu kinh, giáp với sông Bảo Định, hầu hết nhà nào cũng đổ đất lấn kinh cất nhà. Còn các hộ ở đoạn giữa (như hộ ông Lễ, chị Bình), đa phần đều làm sàn để cất nhà nên cá nhân nào muốn đổ đất cũng rất khó (phải làm tường kè xung quanh) nếu không đất sạt lở trôi đi hết. Nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đền bù nên xét lại và giải quyết như nhau để có sự công bằng hơn.

Về phía chính quyền phường 3, ông Phạm Thanh Liêm, Chủ tịch UBND phường cho biết: Trách nhiệm của phường là tham gia cùng đoàn công tác đi khảo sát, đo đạc và vận động người dân di dời để sớm giao mặt bằng cho công trình. Tuy nhiên, về giá cả hỗ trợ, đền bù là do Hội đồng thẩm tra quyết định.

“Hội đồng áp giá rất sát với giá thị trường và kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ có lợi cho dân. Tuy nhiên, đối với 2 trường hợp bị giải tỏa trắng của hộ anh Lễ và chị Bình, Hội đồng Bồi thường cũng nên xem xét lại để có chính sách hỗ trợ, đền bù thỏa đáng hơn. Vì hiện tại, muốn tìm một nơi ở mới có vị trí tương đương (với giá bồi thường như hiện nay) là không mua lại được” - ông Liêm nói.

GIẢI TRÌNH CỦA NGÀNH CHỦ QUẢN

Ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Mỹ Tho cho biết: Công trình Khu tái định cư Kinh Xáng Cụt phường 3 (khu LIA 13B) có 232 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 73 hộ giải tỏa trắng, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là 32.595,6 m2, hiện có 91 hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về chính sách bồi thường đất ở được quy định cụ thể như sau:

- Trường hợp người sử dụng đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở do cơ quan có thẩm quyền cấp thì được bồi thường 100% đơn giá đất ở.

- Trường hợp tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở trước ngày 15-10-1993 thì được bồi thường 100% đơn giá đất ở theo phần diện tích nhà ở thực tế, nhưng không vượt quá hạn mức đất ở do UBND tỉnh phê duyệt.

- Trường hợp tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở sau ngày 15-10-1993 đến ngày 1-7-2004 thì được bồi thường bằng 50% đơn giá đất ở theo phần diện tích nhà ở thực tế, nhưng không vượt quá hạn mức đất ở do UBND tỉnh quy định.

- Trường hợp tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở sau ngày 1-7-2004 đến nay thì được bồi thường bằng đơn giá bồi thường đất nông nghiệp cộng hỗ trợ đất nông nghiệp trong khu dân cư.

- Trường hợp các hộ cất nhà trên sông, kinh Xáng Cụt (nhà sàn không có đất) thì được hỗ trợ bằng 100% giá trị đất ở cho diện tích nhà đang sử dụng, nhưng tối đa không vượt quá hạn mức giao đất ở tại địa phương...

Căn cứ Quyết định 52/2013/QĐ-UBND ngày 20-12-2013 của UBND tỉnh, về đơn giá bồi thường đất ở các thửa đất có vị trí mặt tiền đường Hoàng Hoa Thám (trọn đường), phạm vi 25 m đầu tính từ mốc lộ giới là 7.900.000 đồng/m2.

Phạm vi 30 m tiếp theo (từ trên 25 m đến 55 m) tính bằng 80% giá đất ở đoạn liền kề là 6.320.000 đồng/m2. Hẻm vị trí 1 (có bề rộng mặt đường nhỏ hơn 2 m) là 2.560.000 đồng/m2. Đường nối tuyến Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Văn Giác cặp sông Bảo Định là 3.200.000 đồng/m2.

Theo giải trình của ông Diệu là rất rõ ràng và cụ thể, nhưng thực tế khi áp giá bồi thường lại phân biệt “đất ở” và “sàn ở” nên người dân còn thắc mắc là đúng.

TỔ CTBĐ

.
.
.