Thứ Sáu, 02/10/2015, 10:36 (GMT+7)
.
GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI X CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH:

Về chủ đề, các khâu đột phá và những nhiệm vụ, giải pháp

Xin đi ngay vào những vấn đề góp ý.

1. Về chủ đề của dự thảo:

Dự thảo ghi: “Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của đảng bộ, tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, phấn đấu đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Góp ý:

Khái niệm “tỉnh phát triển” nghe còn quá rộng, quá toàn diện. Lại là tỉnh phát triển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hình như từ trước tới nay nhóm tỉnh này chưa phân loại tỉnh, vậy “tỉnh phát triển” của vùng căn cứ vào những tiêu chí định tính, định lượng nào, trình độ phát triển ra sao, nếu có “tỉnh phát triển” thì có “tỉnh đang phát triển”, “tỉnh kém phát triển” và tỉnh phát triển của vùng so với tỉnh phát triển của cả nước cách biệt nhau thế nào…? Nghe một số tỉnh bạn đề ra mục tiêu “phấn đấu trở thành một tỉnh phát triển trung bình của cả nước”, cũng là một cách nói thiếu tính khẳng định nhưng có vẻ còn rõ hơn.

Trước nay, tôi vẫn khẳng định thế mạnh của Tiền Giang là nông nghiệp, dù nay có nhiều tỉnh trong vùng phát triển nhanh hơn ta; diện tích, sản lượng lớn hơn ta; năng suất, chất lượng suýt soát ta.

Đặc biệt, tỉnh An Giang sáng tạo thành công và đang phát huy tốt mô hình “Cánh đồng lớn”, cả nước đang học tập, vận dụng. Ta cũng từng có những mô hình sáng giá như HTX nông nghiệp Mỹ Thành và một số loại cây ăn trái áp dụng VietGAP, GlobalGAP, nhưng chưa phát huy tốt; hay đăng cai tổ chức “Festival trái cây” lần thứ Nhất, nhưng đến nay ta chưa thể tự hào về truyền thống “Vương quốc trái cây”.

Tôi nghĩ rằng, do ta “ngủ quên” chưa thật sự coi nông nghiệp là thế mạnh, là lợi thế so sánh của tỉnh, chưa quan tâm phát huy truyền thống thâm canh, nhạy bén khoa học - kỹ thuật của nông dân Mỹ Tho, “nông dân Lộ Bốn” nên “tụt hậu”. Cần vực dậy thế mạnh tiềm năng này và bắt đầu trở lại từ Đại hội Đảng bộ lần thứ X của tỉnh.

Vậy chủ đề nên là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của đảng bộ, tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, phấn đấu đưa Tiền Giang trở thành tỉnh nông nghiệp phát triển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Lâu nay ta có định kiến nông nghiệp gần như đồng nghĩa với nghèo nàn, lạc hậu, làm nông nghiệp không thể giàu mạnh, mà phải phát triển cho được công nghiệp. Tất nhiên ta phải coi trọng phát triển công nghiệp, nhưng thế mạnh tiềm năng vốn đang là nông nghiệp thì công nghiệp đó trước hết là công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghệ sinh học… Nghĩa là CNH, HĐH nông nghiệp nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Từ chủ đề như trên, “Mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2015 - 2020” cũng nên sửa lại là:“Phấn đấu đến năm 2020 Tiền Giang trở thành tỉnh nông nghiệp phát triển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

2. Về các khâu đột phá:

Từ chủ đề và mục tiêu tổng quát trên, đề nghị “các khâu đột phá” rút gọn lại từ 5 còn 3 khâu như sau:
- Nhập khâu 1 và khâu 3 thành khâu 1: “Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu công nghiệp chế biến, công nghệ sinh học; hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có tính cạnh tranh cao, hạn chế tiến đến chấm dứt tình trạng “được mùa rớt giá”.

- Nhập khâu 2 và khâu 4 thành khâu 2: “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo điện, nước cho tiêu dùng và sản xuất; bảo vệ tốt môi trường trong quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới”.  


- Khâu 5 chuyển thành khâu 3 là: “Trên cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ngành Nông nghiệp. Củng cố và tăng cường vai trò Hội Nông dân, HTX nông nghiệp, doanh nghiệp trong toàn bộ sự nghiệp phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao”.

Thiết nghĩ, khâu đột phá cần thật sự cô đọng, bao quát, dễ nhớ.

3. Về các nhiệm vụ, giải pháp:

Đề nghị thêm ở cuối mục 1.2 như sau: “Tập trung khai thác thời cơ thuận lợi từ đầu tư nước ngoài về nông nghiệp, trong đó đối tác hàng đầu là Nhật Bản”; ở mục 1.7 cuối câu “… Trung tâm kỹ thuật và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất, kinh doanh” tiếp theo sau thêm là: “kết hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam hướng dẫn, phổ biến và thẩm định việc thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; ở mục 2.3 bỏ bớt 2 từ “đạt chuẩn” trong câu “phường đạt chuẩn văn minh đô thị” thành một câu đầy đủ như sau: “Chú trọng chất lượng các phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị”.

TRẦN BỬU

.
.
.