Thứ Tư, 01/03/2017, 20:50 (GMT+7)
.

"Thẩm tra, rà soát lại 2 vụ khiếu nại của bà Bạch và chị Nhân..."

Vừa qua, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc tiếp xúc 2 trường hợp khiếu nại kéo dài của chị Nguyễn Thị Nhân (ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) yêu cầu bồi thường 2.200 m2 đất trưng dụng để mở rộng Trường cấp III Vĩnh Bình năm 1984 và trường hợp của bà Trần Thị Bạch (ngụ ấp Thạnh Hòa Tây, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) yêu cầu giải quyết trả lại 8.000 m2 đất gốc  bị “điều hòa” cho người khác năm 1977.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rà soát lại 2 vụ việc nêu trên.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rà soát lại 2 vụ việc nêu trên.

Chị Nhân cho biết: Phần đất 2.200 m2 bị trưng dụng là đất mặt tiền QL50, tọa lạc tại thị trấn Vĩnh Bình, do cha chị (ông Nguyễn Văn Xuân) đứng tên làm chủ và sử dụng hợp pháp từ trước năm 1975. Năm 1984, gia đình với hơn 10 nhân khẩu đang sinh sống ổn định thì bị buộc “dỡ nhà ra đi” tự tìm nơi ở mới và chỉ được hỗ trợ 12.000 đồng tiền di dời. Khi cả nhà về đất gốc (xã Đồng Thạnh) lên nền cất nhà ở thì một lần nữa bị cắt 300 m2 giao cho người khác sử dụng. Chị Nhân yêu cầu Nhà nước nên xét lại và có hướng giải quyết đền bù thỏa đáng hơn.

Qua kết quả rà soát của Tổ Công tác do UBND tỉnh Quyết định thành lập, cho thấy: Phần đất này có diện tích 2.200 m2 (tọa lạc tại ấp Bắc, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) là của ông Nguyễn Văn Xuân (cha chị Nhân) quản lý, sử dụng và cất nhà ở ổn định từ năm 1956.

Năm 1984, UBND huyện Gò Công Tây trưng dụng toàn bộ phần đất này để mở rộng Trường cấp III Vĩnh Bình, có hỗ trợ 12.000 đồng tiền di dời nhà cửa; đồng thời cho phép gia đình ông Xuân được lấy đất lúa của gia đình, tọa lạc tại ấp Thạnh Hưng, xã Đồng Thạnh lên nền cất nhà ở.

Từ năm 1995 đến nay, gia đình ông Xuân liên tiếp phát đơn khiếu nại yêu cầu được bồi thường 2.200 m2 đất trưng dụng làm trường học từ năm 1984.

Qua các Quyết định 1554/QĐ-UB ngày 7-8-2001, Quyết định 1830/QĐ-UB ngày 29-10-2001 của UBND huyện Gò Công Tây và Quyết định 1587/QĐ-UB ngày 22-5-2002 của UBND tỉnh Tiền Giang: Bác đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Xuân và các Công văn 1558/CV-TTCP ngày 15-8-2005, Công văn 898/TTCP-V5 ngày 21-5-2008 của Thanh tra Chính phủ khẳng định Quyết định 1587/QĐ-UB của UBND tỉnh là đúng pháp luật.

Hiện tại, gia đình chị Nguyễn Thị Nhân có 11 nhân khẩu, sử dụng 5.143 m2 đất trồng cây lâu năm. Bản thân chị Nhân bị suy tim, cha mẹ già yếu, bệnh đau nằm một chỗ, có 3 người em là bộ đội xuất ngũ. Tổ Công tác đề nghị nên xem xét có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đối với gia đình chị Nhân.

Bà Trần Thị Bạch trình bày: Phần diện tích 8.000 m2 đất (bà đang tranh chấp và khiếu nại) là của cha, mẹ bà quản lý, sử dụng trước năm 1975. Năm 1977, thực hiện chính sách điều hòa ruộng đất theo diện “nhường cơm xẻ áo”, địa phương cắt chia 3.000 m2 cho gia đình ông Võ Thanh Tùng (vợ ông Tùng là chị em bạn dì ruột với bà Bạch) và ông Nguyễn Phước Thăng (cậu ruột bà Bạch) 5.000 m2. Ông Tùng canh tác đến năm 1997 thì chuyển nhượng lại cho ông Lê Văn Rớt canh tác cho đến nay. Phần 5.000 m2 chia cho ông Thăng canh tác đến năm 1998 thì bà Nguyễn Thị Xuân (vợ ông Thăng) chuyển nhượng cho ông Phan Hữu Mỹ canh tác được 1 năm chuyển lại cho mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Lắm canh tác cho đến nay. Cả 2 phần đất trên đã được cấp chủ quyền cho ông Tùng và ông Thăng trước khi chuyển nhượng.

Bà Bạch thắc mắc: Hơn 20 năm qua, gia đình bà liên tục đi khiếu nại nhưng chính quyền cũng như các ngành, các cấp từ địa phương đến Trung ương chưa ban hành một Quyết định chính thức nào giải quyết trường hợp của bà mà chỉ có Công văn trả lời và hướng dẫn. Bà đề nghị UBND tỉnh xem xét và giải quyết trên tinh thần luật pháp quy định.

Qua thẩm tra, rà soát của Tổ Công tác được biết: Tại thời điểm năm 1977, gia đình bà Bạch có 40.000 m2 đất ruộng, nên chính quyền vận động và được gia đình thống nhất chia cho ông Tùng và ông Thăng là người thân trong gia đình 8.000/40.000 m2 là phù hợp. Hiện bà còn 4.360 m2 đất ruộng (trong đó có 1 phần của người em trai Trần Văn Việt) đang cho người khác thuê và 2.270 m2 đất vườn dừa.

Năm 1997, Thanh tra huyện Gò Công Tây có Phúc đáp số 01/PĐ.TTr, trả lời cho bà Nguyễn Thị Huê (mẹ bà Bạch). Nội dung: “…qua các cuộc họp dân đều bác đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Huê”. Năm 2001, UBND huyện Gò Công Tây có Phiếu trả lời số 13/TLĐ gởi bà Trần Thị Bạch cho biết, khiếu nại của bà không có cơ sở và hướng dẫn bà Bạch khởi kiện tại tòa án.

Ngày 29-8-2001, TAND huyện Gò Công Tây ra Quyết định 06/QĐ-TLĐ, tạm đình chỉ giải quyết vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn Trần Thị Bạch với Nguyễn Thị Xuân (bị đơn); lý do bà Xuân bỏ địa phương đi không rõ địa chỉ.

Năm 2004, Thanh tra Nhà nước có Công văn 877/TTNN-TD&XLĐT, trả lời khiếu nại của bà Bạch là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Tổ Công tác đề nghị, UBND tỉnh ban hành văn bản trả lời nội dung khiếu nại của bà Trần Thị Bạch là không có cơ sở để xem xét giải quyết; Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đối với gia đình bà Bạch để ổn định cuộc sống vì bà hiện đang sống độc thân, kinh tế khó khăn, nhà thô sơ, sức khỏe kém do bệnh tim và khớp.

Sau khi lắng nghe ý kiến trình bày của bà Bạch, chị Nhân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cho Tổ Công tác tiếp tục thẩm tra, xác minh, rà soát lại cụ thể từng vụ việc. Sau khi có kết quả, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại để có kết luận giải quyết đúng theo pháp luật quy định.

Tổ CTBĐ

.
.
.