Thứ Tư, 04/03/2020, 17:00 (GMT+7)
.

Đề nghị chia đôi phần đất bà Hoàng tranh chấp

Từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Kim Hoàng (con gái ông Nguyễn Văn Dều, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) gửi đơn đến nhiều ngành, nhiều cấp khiếu nại: Năm 1993, thực hiện Dự án Ngọt hóa Gò Công, Nhà nước xây dựng công trình đê bao, cống đập Long Hải (thuộc địa bàn xã Long Bình, huyện Gò Công Tây), đã trưng dụng hơn 7.000 m2 đất, trong đó có 1 căn nhà của gia đình bà phải dời đi nơi khác.

Trần Văn Toàn báo cáo và đề xuất hướng giải quyết vụ khiếu nại của hộ bà Hoàng.
Trần Văn Toàn báo cáo và đề xuất hướng giải quyết vụ khiếu nại của hộ bà Hoàng.

Thời điểm đó, Nhà nước không có chủ trương bồi thường về đất, mà chỉ hỗ trợ di dời tài sản, nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, hoa màu trên đất và cấp lại 218,8 m2 đất khác cho gia đình có chỗ di dời nhà ở để giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, phần đất của gia đình bị thu hồi còn thừa 2.562,4 m2, địa phương không trả lại, mà đem cấp cho người khác sử dụng. Nay gia đình yêu cầu trả lại phần diện tích trên...

Vụ việc được Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng cho biết: Diện tích 2.562,4 m2 đất bà Hoàng khiếu nại, hiện UBND xã Long Bình quản lý gồm: 995,6 m2 (nằm trong diện tích 7.080 m2 đất của ông Dều bị mất năm 1993), đã giao lại cho gia đình sử dụng, nhưng chưa cấp chủ quyền do còn tranh chấp; phần diện tích 1.222,3 m2 là đất đồn bót của chế độ cũ (đã giao người khác sử dụng nhưng cũng chưa cấp chủ quyền); còn lại 344,5 m2 là đất lộ cũ và hành lang huyện lộ 17. Về phần 1.222,3 m2 đất đồn, bót: Sau năm 1975, thực hiện chính sách đất đai, chính quyền xã Long Bình cấp (khoán) cho hộ ông Nguyễn Văn Đên khai phá canh tác, nhưng ông chỉ cất 1 căn chòi nhỏ để đưa đò qua sông Cửa Tiểu, phần còn lại bỏ hoang.

Sau đó, UBND xã Long Bình cấp lại cho hộ ông Nguyễn Văn Ánh canh tác được một thời gian thì bỏ đi Cà Mau sinh sống.

Năm 1980, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy được đồng chí Đinh Văn Lẹ, Chủ tịch UBND xã Long Bình cho bà sử dụng phần đất này. Năm 1994 - 1995, tiến hành đo đạc để lập bản đồ địa chính thì phần đất này có tổng diện tích 2.070 m2, do ông Đinh Văn Cúc (chồng bà Thủy) đứng tên kê khai nhưng chưa được cấp chủ quyền, hiện vẫn còn để trống.

Năm 2012, khi mở rộng bến phà Tân Long, Nhà nước thu hồi 72 m2 trên diện tích này và đền bù cho gia đình bà Thủy 28,8 triệu đồng, nhưng gia đình ông Dều tranh chấp nên địa phương chưa chi tiền cho bà Thủy.

Mặt khác, theo Giấy xác nhận 335 ngày 5-12-2013 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tiền Giang (dữ liệu địa chính của Ban quản lý Dự án VLAP) thì phần diện tích 2.562,4 m2 (nêu trên) ghi tên người sử dụng đất là ông Dều, nên bà Hoàng (con gái) tranh chấp đòi lại.

Tuy nhiên, phần diện tích này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất đai theo quy định và giấy xác nhận trên đã được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thu hồi hủy bỏ.

Đồng chí Trần Văn Toàn, đại diện Tổ Giúp việc của UBND tỉnh cho biết: Hiện nay, phần diện tích 2.562,4 m2 đất tranh chấp do UBND xã Long Bình quản lý nhưng chưa có kế hoạch sử dụng. Nguyên nhân là do vị trí phần đất này nằm trong khu vực hành lang bảo vệ công trình nên không phù hợp cho việc xây dựng các công trình khác. Do đó, các ngành chức năng của tỉnh và UBND huyện Gò Công Tây đã họp và đề xuất với UBND tỉnh hướng giải quyết: Giao 2.562,4 m2 đất này cho 2 hộ ông Dều và bà Thủy (mỗi người ½ diện tích) để chấm dứt khiếu nại kéo dài; nếu gia đình bà Hoàng không đồng ý thì khởi kiện tại tòa án. Đề xuất này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng thống nhất và đề nghị các ngành chức năng tham mưu soạn thảo, ban hành văn bản giải quyết theo pháp luật quy định.

TỔ CTBĐ

.
.
.