Thứ Tư, 07/08/2019, 11:17 (GMT+7)
.

Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc về Việt Nam

Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (gọi tắt là Công ước của LHQ) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Nhà giàn DK1/11 thuộc Bãi Tư Chính trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 	                                                                                   Ảnh: VĂN THẢO
Nhà giàn DK1/11 thuộc Bãi Tư Chính trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: VĂN THẢO

Theo Công ước của LHQ, vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng, theo đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước của LHQ điều chỉnh.

Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền và các quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước của LHQ. Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn.

Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Nếu các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.

Một trong những căn cứ xây dựng Luật Biển Việt Nam 2012 là Công ước của LHQ. Việc ban hành Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã đạt kết quả là làm cho các quy định pháp luật quốc gia hài hòa với các quy định của luật biển quốc tế, cụ thể là Công ước của LHQ.

Việc này cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình đã chuyển một thông điệp: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ, thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, và là thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Đây là vùng biển được hoạch định theo Công ước của LHQ. Bãi Tư Chính đã được Việt Nam sử dụng và khai thác đặc quyền kinh tế một cách ổn định và từ lâu, không phải khu vực đang có tranh chấp trên biển với bất cứ nước nào.

Việc Trung Quốc đưa  nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng biển này là hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Nhân dân Việt Nam, dư luận các nước trong khu vực và thế giới phản đối các hành động trái phép của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, ủng hộ các lực lượng chấp pháp Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mình, góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.

M.T

.
.
.