Thứ Bảy, 21/11/2020, 20:02 (GMT+7)
.

Bài học toàn dân đoàn kết trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ

(ABO) Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là sự kiện chói lọi khi phong trào cách mạng của nước ta bước vào thời kỳ mới: Thời kỳ Đảng ta có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nêu cao ngọn cờ chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy chưa thành công và bị đàn áp dã man, nhưng đã để lại nhiều bài học lịch sử vô cùng quý báu.

Cuộc khởi nghĩa cho thấy, phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng ở địa phương được duy trì liên tục, nối tiếp từ các cao trào cách mạng trước đó. Ở Mỹ Tho nổi bật là phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ (Đông Dương đại hội 1936 - 1939).

Trong mỗi giai đoạn, lực lượng cách mạng đều bị tổn thất, nhiều đảng viên nòng cốt hy sinh hay bị bắt bớ tù đày vẫn kiên định lập trường cách mạng và nhanh chóng trở về địa bàn gầy dựng lại phong trào. Đảng không rời dân nên dân sẵn sàng tập họp dưới ngọn cờ của Đảng. Quần chúng nhân dân ngày càng tin tưởng, chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể lãnh đạo được đường lối đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành lại độc lập cho dân tộc, xóa bỏ giai cấp địa chủ đem lại ruộng đất cho nông dân.

TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT

Thực tế ở Cai Lậy cho thấy, trước cuộc khởi nghĩa nổ ra, sự theo dõi, đàn áp nhằm dập tắt “mầm mống Cộng sản” của bọn thực dân diễn ra khá khốc liệt. Nhiều người bị bắt, tù đày biệt xứ. Số lượng đảng viên còn lại không nhiều, mỗi chi bộ chỉ chừng 3 đến 5 đảng viên, nhưng họ biết dựa vào nòng cốt để xây dựng lực lượng, đặc biệt là huy động được nhiều thành phần xã hội tham gia, bao gồm các hương chức hội tề như: 11 vị hội tề làng Long Tiên, Cai thôn Phương ở Phú An, Bang biện Chánh ở Nhị Quý, Hương quản Đặng làng Long Trung và các nhân sĩ, hào phú như trường hợp ông Thiệu Siêu ở Cẩm Sơn, Hà Tôn Hiến ở Long Trung.

Nhiều chức sắc tôn giáo cũng tham gia như Hòa thượng Pháp Long - Mỹ Hạnh Trung; sư Nguyễn Văn Thuận (Bửu Sơn Kỳ hương) ở chùa Giồng Tre (Bình Phú); thầy Tư Giai (Nguyễn Văn Giai - Thiên địa hội) ở Phú An…Trong đó có cả những người hy sinh chỉ vài ngày trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhằm đảm bảo bí mật như Yết ma Từ Cẩn trụ trì chùa Khánh Sơn, làng Mỹ Trang.

Bia Nam kỳ khởi nghĩa tại xã Tân Bình, TX. Cai Lậy
Bia Nam Kỳ khởi nghĩa tại xã Tân Bình, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Khả năng tập họp quần chúng còn thể hiện ở các phong trào sản xuất, mua sắm vũ khí tự tạo. Dân gian kể lại, trước cuộc khởi nghĩa 3 tháng, nhiều làng trong quận, các lò rèn hầu như “hoạt động bất kể ngày đêm”, người dân thị hạ cau già, đốn tầm vông tự làm vũ khí...

Kết quả có được là nhờ công tác tuyên truyền vận động của ban lãnh đạo khởi nghĩa được chuẩn bị chu đáo với nội dung xoáy sâu vào “độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân nghèo”. Do đó, cuộc khởi nghĩa diễn ra trong khí thế là ngày “Hội cách mạng của quần chúng”. Hình ảnh các hương chức và bô lão làng Long Tiên khiêng trống chầu, mặc áo dài khăn đóng xuống đường cùng Hương quản Đặng làng Long Trung chỉ huy phá cầu Thầy Cai là một trong những vụ điển hình.

NHỮNG BÀI HỌC QUÝ BÁU

Riêng ở quận Cai Lậy, việc làm chủ được 23/25 làng trong hơn 1 tuần lễ cho thấy lực lượng khởi nghĩa đã khai thác được nhược điểm bộ máy cầm quyền của thực dân. Đó là chính quyền tay sai của chúng ở nông thôn tương đối yếu. Nhiều làng có thành viên Ban Hội tề tham gia hoạt động cách mạng. Cách mạng hoàn toàn dựa vào nông thôn bí mật xây dựng lực lượng, vận động quần chúng tham gia đấu tranh.

Tuy nhiên, ngoài lực lượng ở các làng xã vùng nông thôn, khởi nghĩa đã thiếu sự phối hợp phong trào đấu tranh chính trị khác ở phố thị; do đó, quân khởi nghĩa không tiếp cận được sào huyệt của địch tại Dinh quận Cai Lậy. Tầng lớp trí thức, học sinh ở chợ Cai Lậy và các nơi khác chưa được huy động để tổ chức đấu tranh phối hợp nổi dậy cùng các cánh quân ở làng xã kéo về. Điều đó khiến cho địch dễ bề phòng thủ và có thời gian dẫn quân đi đàn áp.

Ngoài việc cuộc khởi nghĩa diễn ra khi thời cơ chưa chín muồi, thì yếu tố bất ngờ lại bị mất do địch đã nắm được tình hình và chủ động ra tay ngăn chặn trước. Trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra hơn một tháng. Thống đốc Nam kỳ đã gửi thông tri mật nhắc các Chủ tỉnh phải kiểm tra các biện pháp an ninh, lưu ý đề phòng việc lấy cắp vũ khí, đạn dược, thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình.

Ngày 23-10, Thống đốc Nam Kỳ liên tiếp ra mấy nghị định thực hiện thiết quân luật như Nghị định số 1082 quy định: “Mọi tụ tập trên đường công cộng đều dứt khoát bị cấm trên toàn lãnh thổ Nam Kỳ cho đến khi có lệnh mới”. Bên cạnh đó, về quân sự, ở Mỹ Tho, chúng tăng thêm 1 tiểu đoàn lính lê dương, không kể mấy đại đội đang có mặt tại chỗ. Nói chung là bọn cầm quyền Nam Kỳ đã nắm được tình hình chuẩn bị khởi nghĩa của ta và đã có biện pháp trấn áp.

Ở Cai Lậy, nhiều hoạt động đã bị lộ từ khoảng tháng 5-1940, khi một số chi bộ nhận được đề cương chuẩn bị bạo động và tài liệu tổ chức du kích chiến tranh. Đến tháng 9-1940, các cuộc họp dân bí mật vào ban đêm ở làng Thanh Hòa, Phú An hay Mỹ Hạnh Đông… đều bị mật thám của Quận Tâm phát hiện, trong đó chúng đã bắt giam một số người như đồng chí Nguyễn Đức Hiển ở Nhị Quý, Trần Minh Châu ở Cẩm Sơn, thầy giáo Bộ ở Mỹ Hạnh Đông…

Việc xây dựng lực lượng, huy động nhiều thành phần tham gia khởi nghĩa có một số phần tử cơ hội, không loại trừ việc làm lộ bí mật từ đây. Hậu quả là sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ở các làng xuất hiện một số đối tượng đã tham gia khởi nghĩa, quay trở lại chỉ điểm cho bọn chính quyền tay sai đàn áp, bắt bớ. Tổn thất về lực lượng trong những cuộc khủng bố này lớn hơn nhiều so với các cuộc hành quân đàn áp trực diện của giặc.

PHAN LÊ

.
.
.