Thứ Tư, 27/08/2014, 13:45 (GMT+7)
.

Về vị Bình Tây Phó tướng Trần Tuấn

Trần Tuấn còn có các tên Phan Chánh, Phan Cư Chánh, Phan Trung, Phan Tử Đan, hiệu Bút Phong, sinh năm 1814 tại thôn Tiến Lộc, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận (nay là huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận).

Từ nhỏ, ông nổi tiếng khẳng khái, có chí khí, giỏi văn thơ. Năm 1841, ông thi đỗ cử nhân, được triều đình bổ làm Tri huyện Tân Thạnh thuộc phủ Hòa Thạnh, tỉnh Gia Định (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Sau đó ông bị triều đình cách chức, nhưng chưa rõ nguyên nhân và từ khi nào.

Khi thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ, ông đã phất cờ khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Tháng 8-1861 ông chiêu mộ được 2.000 người, gia nhập nghĩa quân Trương Định ở căn cứ Tân Hòa (Gò Công). Tại đây, ông được Bộ Chỉ huy nghĩa quân phong làm Bình Tây Phó tướng, cùng với Bình Tây Đại tướng quân Trương Định lãnh đạo nghĩa quân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo nên những chiến công hiển hách.

Sau khi Trương Định mất, ông di chuyển quân đến Giao Loan, thuộc tỉnh Bình Thuận tiếp tục cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tại căn cứ mới, ông chiêu tập nghĩa sĩ, chia quân làm đồn điền, tích trữ lương thực, mua sắm vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa.

Trước sự lớn mạnh của phong trào, tháng 2-1865 thực dân Pháp vô cùng lo sợ, yêu cầu quan Tuần vũ tỉnh Bình Thuận giải tán nghĩa quân và bắt ông giao cho bọn chúng xử lý. Trước yêu sách ngang ngược đó, triều đình nhà Nguyễn một mặt ra lệnh cho ông rút quân, một mặt cử người đi dàn xếp với thực dân Pháp.

Tuy nhiên ông nhất quyết không bãi binh. Do đó thực dân Pháp đã huy động lực lượng hùng hậu tấn công Giao Loan. Với ý chí quyết tâm đánh giặc, ông đã chỉ huy nghĩa quân kiên cường đánh trả. Tuy nhiên, do thế giặc quá mạnh, nghĩa quân buộc phải tan hàng.

Sau đó ông nhận lệnh trở về kinh đô Huế làm Thị độc học sĩ, sung chức Điền nông sứ tỉnh Khánh Hòa để lo việc khẩn hoang. Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, ông đã cùng với Doanh điền sứ tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phương đốc suất người dân đào “một con kinh có tên là Đồng Mới, dài 1.023 trượng, làm cho hơn hai nghìn mẫu ruộng có nước cày cấy, dân được tiện lợi”; đồng thời ông còn ra sức giúp đỡ những sĩ phu và người dân ở Nam kỳ, do chống Pháp, theo phong trào “tỵ địa” ra các tỉnh Nam Trung kỳ  sinh sống.

Năm 1873, theo yêu cầu của vua Tự Đức, ông đã tiến cử các ông Phan Tiến, Trà Quý Bình, Đoàn Tiến Thiện, Nguyễn Trạch và Phan Liêm vốn là những người tài đức để triều đình sử dụng. 

Năm 1879, ông được chọn về triều dự lễ thất tuần đại khánh của Hoàng Thái hậu Từ Dụ. Nghe tiếng ông, vua Tự Đức cho dời ông vào cung điện hỏi han nhiều việc. Sau đó ông được thăng Thị lang bộ Hộ, nhưng vẫn sung làm Điền nông sứ tỉnh Khánh Hòa như cũ. Năm 1883 ông được triệu về làm quan ở kinh đô Huế. Năm 1884, do tuổi cao sức yếu, ông bị bệnh mất, hưởng thọ 70 tuổi.

Ông là một vị quan yêu nước, trung nghĩa, khẳng khái, nhiệt huyết và có lòng nhân ái, lúc nào cũng đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên hàng đầu, mẫn cán, tận tụy với công việc, đáng để hậu thế noi theo.

NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

.
.
.