Thứ Bảy, 16/09/2017, 08:50 (GMT+7)
.

Lắng đọng Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ba Rài

Trở lại Cẩm Sơn sáng nay, tôi cảm nhận được những đổi thay của vùng bưng lầy sông nước ngày nào. Nửa thế kỷ đi qua, mảnh đất anh hùng, ác liệt năm xưa đã chuyển mình đi lên cùng với nhịp sống của quê hương Tiền Giang.

Ngồi lẫn vào những hàng ghế những người dân địa phương dự lễ, tôi đắm chìm trong những giai địêu quê hương hào hùng qua tiết mục văn nghệ chào mừng. Có thể nói ít có buổi họp mặt truyền thống nào để lại nhiều cảm xúc như buổi lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ba Rài sáng 15-9-2017.

aaaaaaaaaaaaa
Một tiết mục văn nghệ dưới chân tượng đài Chiến thắng Ba Rài. ảnh: T.H

Những tưởng sáng nay khi cơn bão số 10 đổ bộ vào Việt Nam thì trời sẽ dầm dề mưa gây khó khăn cho buổi lễ. Nhưng không, nắng không quá gắt, chỉ đủ điểm tô chút ánh sáng ven cho tượng đài thêm uy nghi và  rực rỡ hơn những tiết mục văn nghệ trên sân khấu. Có thể vong linh của những liệt sĩ hy sinh trong trận Ba Rài năm xưa đã làm cho một sáng mát trời giữa những ngày mưa bão, để buổi lễ diển ra trọn vẹn, đong đầy…

Trong giai điệu hào hùng của bài ca giải phóng, phía sau tôi có giọng ai vang lên: “Mới đó mà đã 50 năm, nửa đời người rồi…” thì ra đó là người cựu chiến binh đã tham gia trận thủy chiến năm nào; 36 người đã được mời về dự lễ, một nghĩa cử rất hay, đầy ý nghĩa của ban tổ chức. Những chàng trai mười tám, đôi mươi năm xưa giờ bạc trắng mái đầu, dáng đi đã liêu xiêu cùng năm tháng; nhìn những con người bình dị, chân phương bước lên sân lễ nhận hoa của ban tổ chức, không nghĩ đó là những chiến sĩ gan lì, dũng cảm đã làm nên một Ba Rài dậy sóng. Và thực sự chính họ, những nhân chứng sống của chiến thắng năm xưa là “ điểm nhấn” trong buổi lễ kỷ niệm sáng nay.

Thật vậy, buổi lễ như lắng lại trong phát biểu của cựu chiến  binh Nguyễn Hoàng Kha, nguyên đại đội trưởng đại đội 2, Tiểu đoàn 263. Bước đi khập khễnh, nhưng giọng nói vẫn đầy khẳng khái: “50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức Ba Rài vẫn còn đọng mãi; chúng tôi ngày ấy đầu trần chân đất cả ngày ngâm mình trong nước, lạnh buốt, mệt lả; nhưng khi giặc đến vẫn kiên cường chiến đấu, chính khát vọng độc lập, tự do đã sinh ra sức mạnh thần kỳ, làm nên một Ba Rài dậy sóng.”

Ông nhớ như in tên của những người chỉ huy, đồng đội đã hy sinh trong trận Ba Rài, không được hưởng những ngày vui thống nhất; ông kể lại từng nhà các má ở Long Trung, Tam Bình, Cẩm Sơn đã chở  che cho bộ đội trong những ngày ác liệt mùa thu năm 1967. Ngày 15-9, cả vùng đất Cẩm Sơn ngập chìm trong đạn pháo….Bài phát biểu của ông mộc mạc, nhưng đong đầy cảm xúc, đã chạm được trái tim của những người dự lễ.

a
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa, quà cho các cựu chiến binh trận Ba Rài. ảnh: T.H

Tự hào về mảnh đất Tiền Giang với nhiều chiến thắng hào hùng: Từ Cổ Cò, Giồng Dứa đến Ấp Bắc, Ba Rài..., từ các huyện phía Đông sang phía Tây đâu đâu cũng có những di tích lịch sử để nhớ về một thời đạn bom ác liệt. Giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống vẻ vang của cha ông qua những lễ kỷ niệm là điều rất cần thiết, vấn đề là cách tổ chức sao cho đi vào lòng người; đơn giản nhưng nghiêm túc, đi vào chiều sâu hơn là hình thức; làm thế nào để khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần yêu nước.

Hy vọng thế hệ lãnh đạo trẻ sau này, vẫn thẩm thấu tinh thần ấy, tiếp tục duy trì ngọn lửa nhiệt thành, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc qua những buổi sinh hoạt truyền thống. Ngay cả khi những chứng nhân sống của các sự kiện lịch sử rồi đây sẽ không còn.

S.PHẠM
 

.
.
.