Thứ Tư, 10/02/2021, 12:10 (GMT+7)
.

Dấu ấn tốt đẹp khởi đầu năm mới

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1-2021 tăng 22,2% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: SONG ANH
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1-2021 tăng 22,2% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: SONG ANH

Là tháng đầu của năm 2021, tháng 1 trôi qua với nhiều dấu ấn tốt đẹp, đặc biệt là việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mở ra một mốc son mới thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Và ngay trong phiên họp đầu năm, nhiều chủ trương lớn được Chính phủ thảo luận và quyết định như: giải pháp thúc đẩy tăng trưởng sáu tháng đầu năm 2021, kết quả thực hiện chương trình hành động về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), về định hướng công tác điều hành giá 2021.

Nhiều chuyển biến tích cực

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Đại hội đã thảo luận và nhất trí cao thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025...

Đây là những tiền đề quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với tinh thần rất khẩn trương, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1-2021. Báo cáo tại phiên họp Chính phủ đầu năm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1-2021 tăng 22,2% so cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, đáp ứng tốt các nhu cầu của người dân trong tháng 1 và cả dịp Tết Nguyên đán.

Do điều chỉnh giá xăng, dầu và giá một số mặt hàng tăng do nhu cầu mua sắm Tết, song chỉ số giá tiêu dùng cũng chỉ tăng có 0,06% so tháng trước. Đặc biệt, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng đạt hơn 10.000 DN, tăng 21,9% so cùng kỳ năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, tổng kim ngạch XNK hàng hóa trong tháng ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so cùng kỳ năm 2020, xuất siêu ước đạt 1,3 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích, trong tháng 1-2021, cả nước có gần 10.100 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 155.100 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 115.900 lao động, tăng 21,9% về số DN, tăng 25,9% về vốn đăng ký và tăng 37,2% về số lao động so cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so cùng kỳ năm 2020. Nếu tính cả 240.000 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.015 DN đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1-2021 là 395.100 tỷ đồng, tăng 10,5% so cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, còn có 6.503 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1-2021 lên 16.594 DN. Nói chung, tình hình đăng ký DN tháng 1 tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Hoạt động đầu tư trong tháng 1-2021, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2020. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 1-2021 ước tính đạt 23.233 tỷ đồng, bằng 5,1% kế hoạch năm và tăng 24,5% so cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-1-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 62,2% so cùng kỳ năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1 ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước. 

Giữ ổn định thị trường trong mọi tình huống

Tháng 1-2021 là thời điểm trước Tết Nguyên đán, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 479.900 tỷ đồng, tăng 3,7% so tháng trước và tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 8%)…

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2021, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Công thương nêu rõ, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP (NQ 01), NQ 02 của Chính phủ, Bộ Công thương đã cụ thể hóa thành 115 nhiệm vụ cụ thể thực hiện NQ 01 và 12 nhiệm vụ cụ thể thực hiện NQ 02 và giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT với một loạt các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. 

Cụ thể, Bộ Công thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ, quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.

Đồng thời, Bộ cũng chủ trì phối hợp một số bộ, ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Đà Nẵng) công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Về nguồn cung hàng hóa, công tác chuẩn bị Tết đã được các DN sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các DN trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các DN chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các DN ước tăng khoảng 10 - 15% so các tháng thường trong năm. Đặc biệt, tại các địa phương mới phát hiện các ca nhiễm Covid-19 như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... nguồn hàng hóa đều được đầy đủ, giá cả ổn định phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu cũng như không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng.

Tại một số địa phương khu vực miền trung chịu thiệt hại của bão lũ trong năm 2020 vừa qua, Sở Công thương các địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN phân phối trên địa bàn triển khai các chuyến bán hàng Tết đến các khu vực dân cư chịu thiệt hại lớn của bão lũ với giá bình ổn và có hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, lượng hàng hóa nói chung và hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường nói riêng dịp Tết Nguyên đán được chuẩn bị với số lượng dồi dào. Ước lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường tại các địa phương triển khai chương trình được tăng cường, chiếm khoảng 20 - 35% nhu cầu thị trường. Như vậy, đến nay, về cung ứng hàng hóa cho dịp Tết cũng như phòng, chống dịch bệnh, Bộ Công thương đã có phương án cụ thể với các địa phương cũng như các trung tâm thương mại lớn với những kinh nghiệm thực tiễn và dự báo đánh giá. Bảo đảm giữ ổn định thị trường trong mọi tình huống.

Tại phiên họp, ghi nhận và đánh giá cao các kết quả tích cực đạt được trong phát triển KT-XH và sự nỗ lực của các bộ, ngành ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, song Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả về kinh tế và y tế; tận dụng thời cơ, tạo môi trường thuận lợi thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào đầu tư và kinh doanh tại nước ta; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; kinh tế quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và kinh tế số. Trong bối cảnh, tình hình mới, chúng ta cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước vững bước đi lên, sớm hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ngay sau Tết, các cấp, ngành, địa phương và DN phải bắt tay vào công việc ngay. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không dùng NSNN, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi. Các địa phương, DN phải có kế hoạch cụ thể để đưa người lao động trở lại làm việc kịp thời sau Tết, không để ảnh hưởng tới sản xuất, hoạt động kinh doanh.

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
.