Thứ Tư, 16/09/2020, 22:10 (GMT+7)
.
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu

Lắng nghe và chia sẻ cùng học sinh

 (ABO) Nhiều năm qua, Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có nhiều sáng kiến hay về việc tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp của học sinh, tạo môi trường giáo dục dân chủ, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Điển hình nhất là nhà trường trao đổi thường xuyên “Hộp thư xanh” và tổ chức Diễn đàn “Nghe học sinh nói - nói học sinh nghe” được thầy cô, học sinh quan tâm.

Bảo mật sự riêng tư cho “người đưa thư”

“Hộp thư xanh” là kênh trao đổi, trình bày những đóng góp, nguyện vọng của học sinh đối với Ban Giám hiệu về những suy nghĩ, thắc mắc của mình, cần được thầy cô giải đáp. “Hộp thư xanh” được nhà trường thực hiện theo 2 hình thức, "hộp thư xanh" truyền thống và "hộp thư xanh" điện tử.

Đối với "hộp thư xanh" truyền thống được đặt ở góc hành lang, vị trí này nhà trường không lắp đặt camera an ninh, đảm bảo tính riêng tư cho học sinh. Từ sự suy nghĩ thấu đáo này đã khuyến khích nhiều học sinh đóng góp ý kiến, cung cấp nhiều thông tin cho nhà trường, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Thầy hiệu trưởng là người trực tiếp phụ trách hộp thư truyền thống, người duy nhất giữ chìa khóa, cũng như tiếp nhận và xử lý nội dung thư gửi đến.

"Hộp thư xanh" trong trường học.

Còn đối với "hộp thư xanh" điện tử, admin (người quản lý trang điện tử) sẽ nhận thông tin từ các học sinh gửi đến trang điện tử và sẽ tổng hợp gửi thầy hiệu trưởng trực tiếp trả lời.

Song hành với kênh trao đổi "hộp thư xanh", Diễn đàn “Nghe học sinh nói - nói học sinh nghe” được Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức vào mỗi học kỳ. Những ý kiến đóng góp từ lớp sẽ được gửi về Đoàn trường tổng hợp và được Ban Giám hiệu, Đoàn trường, tư vấn viên tâm lý… trực tiếp trả lời đến các học sinh trong buổi trao đổi ý kiến. Thấu hiểu được tâm lý học sinh sẽ ngần ngại, e dè khi chia sẻ chuyện riêng tư nơi đông người, nên việc tổ chức diễn đàn thường chú trọng vào những ý kiến, nguyện vọng của học sinh về xây dựng trường lớp, lao động, phân ban khối lớp.

Nhà trường tổ chức diễn đàn “Nghe học sinh nói, nói học sinh nghe”.
Nhà trường tổ chức Diễn đàn “Nghe học sinh nói - nói học sinh nghe”.

Thầy Lê Bá Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Trước đây “hộp thư xanh” mang tên là “hộp thư góp ý”. Sau khi được phân công về công tác tại trường, thầy đã đổi tên thành “hộp thư xanh”, vì đơn giản không chỉ là góp ý đơn thuần, mà còn trình bày những suy nghĩ, thắc mắc của các em. Những lần chào cờ dưới sân trường, thầy đã từng nói với học sinh, nếu sau này trở thành hiệu trưởng, các em sẽ hiểu được mình mong muốn nhận những ý kiến đóng góp từ các em nhiều đến như thế nào, có như thế mới phát huy được tính dân chủ trong nhà trường, góp phần hoàn thiện hơn nữa môi trường giáo dục, vì thực tế đã có rất nhiều ý kiến đóng góp hay đến từ các em học sinh”.

Nhu cầu tư vấn của các em rất cao

Nhà trường đã giải đáp cụ thể, tư vấn cho học sinh nhiều vấn đề về xây dựng trường lớp, xây dựng tình bạn trong sáng lành mạnh và giải tỏa tâm lý trong một số tình huống, những thắc mắc của lứa tuổi học trò về tình cảm, giới tính...

Nhớ về kỷ niệm khi đọc những lá thư, thầy Lê Bá Ngọc chia sẻ, năm học vừa rồi thầy nhận được 1 lá thư của bạn nam, tâm sự bạn dần phát hiện ra mình thuộc giới tính thứ ba, nhưng lại không dám bộc bạch điều này với cha mẹ, sợ những người mình thương yêu sẽ không chịu nổi cú sốc. Em hỏi có cần nói chuyện này cho cha mẹ biết không, hay giấu cả đời để cha mẹ bớt đau khổ.

Đọc thư xong thầy lên mạng tìm những kiến thức tư vấn về thế giới thứ ba của tuổi học trò để định hướng. Thầy khuyên em trước hết nên giữ bình tĩnh, vì đây chính là cuộc sống của em nên hãy đối xử một cách thành thật và nghiêm túc. Sau đó, em hãy dũng cảm nói rõ ràng, chính xác với cha mẹ mọi chuyện về em và cuộc sống em mong muốn cho riêng mình. Cùng với đó là những kế hoạch cho tương lai, giữ lời hứa vẫn học tập tốt như hiện tại; vì thực tế đã có rất nhiều người thuộc giới tính thứ ba thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.

Hay những lá thư viết về nỗi lòng của các em, một nữ sinh đã viết trong thư, ba em thường xuyên cãi nhau với hàng xóm bằng những từ ngữ khó nghe, làm em mắc cỡ, ngại ngùng khi gặp hàng xóm. Nhiều khi tan học, em không muốn về nhà. Thầy đã nhắn tin an ủi, động viên cùng em, đồng thời mời phụ huynh của em đến gặp để thầy trực tiếp chia sẻ những suy nghĩ của con em mình và mong muốn cha mẹ thay đổi. Những lần sau khi gặp lại, em vui mừng thông báo cha đã thay đổi rất nhiều và em có thể chuyên tâm học hành.

Bên cạnh đó, các em có thể nói những thắc mắc của mình: Nữ sinh sao lại không được phép mang giày cao gót khi đi học, nam sinh sao lại không được nhuộm tóc khi đến trường. Thầy đã nhẹ nhàng khuyên bảo, học sinh cần giữ lại nét đẹp giản dị khi đến trường, là một học sinh em cần phải tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân. Khi tới trường chỉ cần ăn mặc đúng đồng phục, không cầu kỳ kiểu cách. Hay là những góp ý một số ít giáo viên còn dạy quá nhanh, các em chưa tiếp thu kịp, nhưng không tiện nói trực tiếp với giáo viên. Khi đó, thầy sẽ gọi giáo viên đó lên góp ý để thay đổi cách dạy phù hợp với cách tiếp thu của mọi học sinh trong lớp.

Thầy Lê Bá Ngọc chia sẻ, ở độ tuổi dậy thì, học sinh có sự thay đổi lớn về thể chất và tâm, sinh lý. Các em rất cần được lắng nghe, chia sẻ như những người bạn, đặc biệt đối với những học sinh thiếu sự quan tâm của gia đình. Chính vì vậy, công tác giáo dục tâm lý cho học sinh trong nhà trường rất quan trọng. Những lời tư vấn cần nhẹ nhàng, linh hoạt phù hợp với tính cách, độ tuổi từng em, từ đó giúp học sinh nhận thức đúng hơn và tránh được những hành vi lệch chuẩn.

Nhờ vào hiệu quả từ công tác tư vấn tâm lý, nhiều năm nay, Ban Giám hiệu cùng với tập thể giáo viên đã ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học; luôn lắng nghe, thấu hiểu và xây dựng môi trường thân thiện, gần gũi, để khi các em đến trường luôn có cảm giác thoải mái, như chính “ngôi nhà thứ hai” của mình.

NHƯ NGỌC

.
.
.