Thứ Sáu, 02/10/2020, 15:53 (GMT+7)
.
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TIỀN GIANG:

Vững tin tiến bước đi lên

Chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, trong nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã đạt được những kết quả khá nổi bật. Có thể thấy, tính đến thời điểm hiện tại, cùng với thành quả giáo dục cả nước, giáo dục Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tích, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Cũng theo đồng chí Lê Quang Trí, những thành tựu trong nhiệm kỳ qua được xem là bước đệm vững chắc để ngành GD&ĐT tỉnh nhà vững tin chuyển mình sang một trang mới với khí thế mới. Đứng trước bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập, khoa học công nghệ ngày càng phát triển…, tuy nhiên đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp…, đã đặt ra cho ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức mới, đòi hỏi toàn ngành phải tập trung nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Quang Trí
Đồng chí Lê Quang Trí

* PV: Đồng chí có thể khái quát những kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 2015 - 2020?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Có thể nói, trong nhiệm kỳ qua, toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu giáo dục và đạt được nhiều kết quả khả quan. Có thể điểm qua một số thành tựu quan trọng:

Thứ nhất là, các cuộc vận động và phong trào thi đua đã được các cơ sở giáo dục tích cực hưởng ứng thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả.

Thứ hai là, toàn ngành đã đổi mới mạnh mẽ theo yêu cầu của Nghị quyết 29 ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, chất lượng học sinh đại trà ở tất cả các trường học trong tỉnh được nâng lên rõ rệt.

Thứ ba là, hệ thống mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển rộng khắp.

Thứ tư là, công tác duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ.

Thứ năm là, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu chuẩn hóa về trình độ đào tạo.

* PV: Bên cạnh những thuận lợi, ngành GD&ĐT tỉnh nhà còn những khó khăn gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Có thể nói, trong mỗi chặng đường phát triển của sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh… đã cùng cộng đồng trách nhiệm chăm lo cho giáo dục.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác GD&ĐT tỉnh nhà vẫn còn những khó khăn nhất định, như chất lượng giáo dục tuy có nâng lên song chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Quy mô phát triển đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội địa phương. Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế. Số phòng học bán kiên cố ngày càng xuống cấp, cần phải đầu tư xây dựng thay thế.

* PV:  Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cần phải làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Trong giai đoạn 2020 - 2025, toàn ngành sẽ tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh theo tinh thần “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT; phát triển nguồn nhân lực” với những định hướng sau:

Thứ nhất là, tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, quy mô trường, lớp phù hợp và khoa học. Toàn ngành tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục, quy mô trường, lớp từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đến các trường trung cấp, cao đẳng, đại học một cách khoa học và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Công tác tổ chức, sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vừa bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo và người học. 

Ngành GD&ĐT tỉnh nhà đang nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Ngành GD&ĐT tỉnh nhà đang nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Thứ hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Từng bước xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng trường theo Luật Giáo dục năm 2019.

Thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở quy hoạch và đạt chuẩn các vị trí chức danh quản lý giáo dục; thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT.

Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo được tiếp cận với các phương pháp dạy học mới, nhằm đáp ứng yêu cầu cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ ba là, toàn ngành tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Thực hiện mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo các mục tiêu về giáo dục cần đạt được đối với từng cấp học theo Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học.

Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh nền tảng phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội. Giáo dục trung học cơ sở bảo đảm cho học sinh có hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc. Giáo dục trung học phổ thông đảm bảo phát triển năng lực, đáp ứng nguyện vọng của học sinh.

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn CDIO đối với giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường các điều kiện đảm bảo để mở rộng và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận chung của khu vực và quốc tế trong xây dựng, cập nhật chương trình và triển khai đào tạo, trên cơ sở đó đề xuất xây dựng mô hình trường chất lượng cao tiệm cận chất lượng khu vực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy và học trong nhà trường.

Phát triển hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin toàn ngành theo hướng đồng bộ, hiện đại; triển khai Chính phủ điện tử ở các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông.

Thứ tư là, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tổ chức rà soát, xây mới, cải tạo, sửa chữa trường, lớp để đáp ứng yêu cầu của dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc mầm non đạt 70%, bậc tiểu học đạt 80%, bậc trung học cơ sở đạt 70% và bậc trung học phổ thông đạt 70%. Tăng cường đầu tư, mua sắm các trang thiết bị dạy học trong phòng thí nghiệm, phòng dạy học tiếng Anh, phòng học đa chức năng theo chuẩn dạy học chương trình mới, qua đó góp phần giáo dục toàn diện người học.

Thứ năm là, toàn ngành tiếp tục phát huy tốt các nguồn lực. Huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho GD&ĐT.

Kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp từ công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trang bị về cơ sở vật chất cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thực hiện xã hội hóa sự nghiệp giáo dục hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân. Đẩy mạnh hợp tác giáo dục trong nước và quốc tế theo nguyên tắc các bên cùng có lợi.

Đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích nghi một cách linh động, sáng tạo với môi trường và nhu cầu xã hội trong giai đoạn mới, đáp ứng những yêu cầu về nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, ngành GD&ĐT tỉnh nhà sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

BÌNH PHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.