Thứ Ba, 31/01/2017, 06:45 (GMT+7)
.
Sau 10 năm gia nhập WTO: Thành tựu và những tác động

Kỳ cuối: Sẵn sàng ứng phó

Kỳ 1: Tiền Giang đón nhận nhiều cơ hội mới
Kỳ 2: Sức bật từ ngành Công thương
Kỳ cuối: Sẵn sàng ứng phó

Hội nhập kinh tế đã mang lại những thành tựu rất lớn. Điều này không phải bàn cãi. Tuy nhiên, ở từng ngành, lĩnh vực cũng có những tác động tiêu cực nhất định buộc phải thay đổi và thích ứng.

Doanh nghiệp cần tìm chiến lược kinh doanh phù hợp để thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế.
Doanh nghiệp cần tìm chiến lược kinh doanh phù hợp để thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế.

1. Giám đốc một doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu (XK) trên địa bàn tỉnh nhận định rằng, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, tác động của WTO nói riêng đối với nhóm ngành này là khá rõ nét, đặc biệt là trong những năm gần đây. Nhìn chung trong 3 năm qua, tốc độ phát triển của ngành Thủy sản chậm lại so với thời gian trước. Yếu tố khách quan là hiện nay các DN XK các sản phẩm ở dạng sơ chế, sản phẩm thô là chủ yếu. Trong thời gian đầu, nguyên liệu để chế biến XK còn dồi dào nên tốc độ tăng trưởng tốt nhưng trong 3 năm gần đây tốc độ giảm dần do không thể tiếp tục khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên, chưa kể những tác động của biến đổi khí hậu, đất hẹp người đông. Chưa kể các yêu cầu khắt khe của thị trường, rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, thuế quan, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng gắt gao. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới trì trệ, nhất là thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ liên tục có biến động cũng là những nhân tố tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN trong nước. Đặc biệt là thị trường châu Âu, một trong những thị trường trọng điểm tiêu thụ hàng thủy sản Việt Nam, những năm gần đây luôn biến động. Thị trường Nhật có phát triển nhưng chậm, còn thị trường Mỹ lại chịu ảnh hưởng từ thay đổi chính sách liên tục. Chính những điều này đã tác động lớn đến tình hình sản xuất và XK thủy sản của Việt Nam nói chung và các DN trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu tình hình không có nhiều thay đổi, năm 2017 ngành Thủy sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn, bất chấp việc cải thiện thủ tục hành chính, quản lý Nhà nước trong nước có nhiều chuyển biến tích cực. Điều khó khăn hơn nữa chính là các rào cản thương mại, kỹ thuật của thị trường thế giới. Nếu bản thân DN không thức thời, quyết liệt sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Thực tế là không ít DN trong ngành đang đuối sức để đối phó với các rào cản của thị trường thế giới. “Bối cảnh trong nước, thủ tục hành chính, nhũng nhiễu còn diễn ra, lãi suất ngân hàng ở mức tương đối cao, chính sách kinh tế vĩ mô cũng thay đổi liên tục, năng lực quản trị của DN còn yếu kém, chủ yếu là “nông dân chân đất” nên thiếu kiến thức quản trị, hạn hẹp về nguồn vốn cũng sẽ là những yếu tố tác động đến tình hình hoạt động của DN. Để hoạt động ổn định, mỗi DN cần quản trị lại thị trường, đồng vốn, nguồn nhân lực và xem lại quy mô hoạt động sản xuất - kinh doanh” - Giám đốc DN này nhận định.

Tìm một hướng đi an toàn, hiệu quả cũng là cách mà các DN đã và đang hướng tới nhằm thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) cho rằng, Tigifood đang hướng đến một sự thay đổi và khác biệt lớn trong chiến lược kinh doanh, theo hướng gạo an toàn, gạo sạch, có kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm phù hợp với xu thế hội nhập như cam kết trong TPP cũng như các hiệp định song phương với nhiều nước. Ngay cả tiêu thụ trong nước, gạo an toàn thời gian qua cũng được người tiêu dùng chú trọng, nhất là đối với dân cư thành thị có mức thu nhập từ trung bình trở lên. Đồng thời, Tigifood cũng đang có chiến lược đưa gạo an toàn đến phân khúc thị trường có mức thu nhập thấp. Nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa hiện cũng đang rất lớn do Việt Nam có dân số đông và gạo vẫn là mặt hàng thiết yếu. Sự thay đổi chiến lược kinh doanh của Tigifood dựa trên nền tảng chắc chắn rằng, tới đây số lượng gạo XK sẽ rất khó tăng theo kiểu năm sau cao hơn năm trước do áp lực của cạnh tranh.

Tigifood đang hướng đến sự thay đổi và khác biệt lớn trong chiến lược kinh doanh.
Tigifood đang hướng đến sự thay đổi và khác biệt lớn trong chiến lược kinh doanh.

2. Ở góc nhìn khác tương đối lạc quan hơn, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế lại cho rằng, các DN cũng không nên quá lo lắng về hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, thật ra Việt Nam đã tham gia vào sân chơi chung của thị trường thế giới đã hơn 20 năm, kể từ khi tham gia vào khối ASEAN năm 1995, tiếp theo đó là ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ vào năm 2000, tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và gần đây Việt Nam đã ký hàng loạt các hiệp định thương mại với các đối tác khác. Kết quả rõ ràng nhất là hội nhập đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh và tất nhiên cũng sẽ tạo ra những thách thức. Do vậy, ngay cả việc xóa bỏ thuế quan cũng như mở cửa thị trường, dịch vụ khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần đây cũng không phải là điều đáng phải lo ngại.

Theo ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, với việc triển khai nhiều giải pháp phát triển DN bước đầu đã thấy có những chuyển biến theo xu hướng tích cực. Trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh có khoảng 540 DN thành lập mới, tăng 9,5%; số vốn đăng ký ước đạt 3.660 tỷ đồng, tăng 2,2 lần. Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động 125 chi nhánh và 18 văn phòng đại diện; 157 DN đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm là 2.100 tỷ đồng; 358 DN bổ sung ngành nghề, tăng 17,4% và 833 DN thay đổi các nội dung khác... Số DN thành lập mới bình quân hàng tháng có xu hướng tăng lên (6 tháng đầu năm thành lập mới 39 DN/tháng, 6 tháng cuối năm 49 DN/tháng), quy mô vốn DN thành lập mới tăng nhanh (bình quân 6,8 tỷ đồng/DN so với năm 2015 là 4,1 tỷ đồng/DN)... Dự kiến đến cuối năm 2016, tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh gần 3.900 DN (số liệu đã được chuẩn hóa).

Để công tác hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ, tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần có sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong nhận thức của cán bộ, công chức cũng như nhân dân, nhất là các DN về tầm quan trọng của công tác hội nhập quốc tế, đặc biệt là phải hiểu rõ và nắm bắt thật chắc các cơ hội cũng như thách thức của quá trình hội nhập mang lại, nhất là trong giai đoạn chúng ta đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với các đối tác lớn như: Hàn Quốc, EU, Liên minh Thuế quan Nga - Belarút - Kazaxtan, Cộng đồng kinh tế ASEAN và sắp tới là TPP. Việc thứ hai chúng ta cần phải tiến hành làm là công tác xây dựng các thể chế, rà soát các quy định liên quan và làm tốt hơn nữa công tác cải cách các thủ tục hành chính phục vụ cho quá trình hội nhập.

Điều cũng hết sức quan trọng là tỉnh cần khẩn trương xây dựng và rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị, thành dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung của tỉnh. Đây là yêu cầu hết sức bức thiết để định ra chiến lược, mô hình phát triển phù hợp với tình hình mới và phải có tính đến yếu tố liên kết kinh tế vùng, quốc gia và quốc tế. Ngoài ra tỉnh cũng cần lưu ý đến công tác dự báo tình hình trong nước và thế giới, nhất là các tác động từ các cam kết thương mại lớn với các đối tác. Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục kiên trì với quyết tâm cao trong giải quyết nút thắt về cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và trong tương lai. Song song đó là làm tốt hơn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại - du lịch, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng…

ANH PHƯƠNG

.
.
.