Thứ Tư, 03/02/2021, 10:41 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh kiểm soát thị trường cuối năm

Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa trong nhân dân tăng cao. Tình hình hàng gian, hàng giả được chính quyền cũng như người dân đặc biệt quan tâm. Nói về tình trạng này, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang Đỗ Văn Phước cho biết:

Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh trong dịp cận Tết Nguyên đán vẫn còn diễn biến phức tạp và tinh vi. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng như: Bán hàng qua mạng xã hội; sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh; lợi dụng thời gian nghỉ để lưu thông hàng hóa; chia nhỏ, trộn lẫn hàng hóa nhập lậu với hàng hóa hợp pháp nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, xử lý.

* Phóng viên: Để kịp thời ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp cuối năm, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang có giải pháp gì, tập trung những mặt hàng nào?

* Đồng chí Đỗ Văn Phước: Để ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp cuối năm, Cục QLTT tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch định kỳ, kế hoạch chuyên đề nhằm kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, đơn vị tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên cập nhật, rà soát, giám sát; thu thập, tiếp nhận thông tin để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm; hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam… Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền trên báo, đài và thông qua công tác kiểm tra thị trường về tác hại của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân không vì lợi nhuận mà tiếp tay hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm.

Những mặt hàng lực lượng QLTT sẽ cần tập trung kiểm soát gồm: Quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm (bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát), đường, xăng dầu, phân bón, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, hàng điện tử, điện lạnh... Đặc biệt là các loại pháo, thuốc pháo, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, động vật hoang dã, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Dịp Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác kiểm soát thị trường.
Dịp Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác kiểm soát thị trường.

* Phóng viên: Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử, mua bán hàng qua mạng ngày càng phát triển, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Vậy Cục QLTT tỉnh Tiền Giang có giải pháp gì để kiểm soát hàng hóa mua bán bằng hình thức này?  

* Đồng chí Đỗ Văn Phước: Trên địa bàn tỉnh, số lượng thương nhân sở hữu website để hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử còn ít, chủ yếu kinh doanh trên mạng xã hội Zalo, Facebook… Tuy nhiên, tình hình mua bán hàng hóa qua website thương mại điện tử trong thời gian tới có chiều hướng tăng do việc thành lập các website bán hàng tương đối dễ. Các hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử giúp thương nhân bán hàng có thể đăng tải, tiếp thị và tối ưu sản phẩm để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. 

Cục QLTT tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020 (Kế hoạch 567 ngày 31-10-2019).

Đồng thời, chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý trong hoạt động mua bán hàng hóa trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Công văn 398 ngày 31-7-2020). Kết quả kiểm tra, xử lý năm 2020 về hoạt động thương mại điện tử và sử dụng ứng dụng số để kinh doanh là 20 vụ, thu phạt hơn 230 triệu đồng với trị giá hàng hóa vi phạm hơn 457 triệu đồng.

Trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, lực lượng QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử lý 81 vụ, thu phạt gần 770 triệu đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm tịch thu và tiêu hủy hơn 530 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 867 sản phẩm phụ tùng xe gắn máy các loại giả mạo nhãn hiệu Honda, 1.562 mũ bảo hiểm giả mạo nhãn hiệu “Nón Sơn”; 126 bao phân NPK các loại là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; 5.882 bao thuốc lá điếu nhập lậu…

Để kiểm soát tốt hình thức mua bán này, thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, rà soát các website thương mại điện tử bán hàng, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

M. THÀNH (thực hiện)

.
.
.