Cải lương là loại hình nghệ thuật cần được bảo tồn và phát huy
Kỷ niệm 95 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương, UBND tỉnh tổ chức chuỗi sự kiện bao gồm: Triển lãm, tọa đàm và Chương trình nghệ thuật cải lương, với chủ đề chung: Tiền Giang - cái nôi của nghệ thuật cải lương. Chuỗi sự kiện sẽ được diễn ra vào ngày 18-1, tại Trung tâm hội nghị tỉnh. Trước thềm diễn ra chuỗi sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức, Trưởng Ban tổ chức Kỷ niệm 95 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương chia sẻ:
Chuỗi sự kiện được tổ chức vào ngày 18-1 sắp tới nhằm chào mừng sự kiện Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại, mừng Xuân Giáp Ngọ 2014, Kỷ niệm 95 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương, ôn lại ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của gánh hát và rạp hát cải lương Thầy Năm Tú. Rạp hát và gánh hát cải lương Thầy Năm Tú là rạp hát và gánh hát đầu tiên của Việt Nam, ra đời tại TP. Mỹ Tho, góp phần khẳng định: Tiền Giang là cái nôi của nghệ thuật cải lương.
Bên cạnh đó, thông qua chuỗi sự kiện tiếp tục khẳng định nghệ thuật cải lương là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam cần được bảo tồn và phát huy, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng. Chuỗi sự kiện cũng nhằm chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày xây dựng rạp hát cải lương đầu tiên và 97 năm Ngày gánh hát cải lương đầu tiên ra đời tại TP. Mỹ Tho.
* PV: Nhiều người cho rằng, Tiền Giang là cái nôi của nghệ thuật cải lương. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
* Ông Trần Thanh Đức: Vào khoảng năm 1917, ông Châu Văn Tú (còn gọi là Thầy Năm Tú, hay Pierre Tú), người xã Vĩnh Kim, Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, Tiền Giang) là người say mê nghệ thuật cải lương, đã thành lập gánh hát đầu tiên ở Việt Nam, mang tên Gánh hát cải lương Thầy Năm Tú - Mỹ Tho (sau đó phong trào cải lương bắt đầu rầm rộ ở Sài Gòn).
Đến năm 1918, Thầy Năm Tú xây rạp chiếu bóng mang tên Cinéma Palace, còn gọi là rạp Thầy Năm Tú, sau đổi tên là rạp hát Vĩnh Lợi, rồi rạp hát Tiền Giang, tọa lạc tại đường Lý Công Uẩn, phường 1, TP. Mỹ Tho. Cũng trong thời gian này, hãng đĩa hát Pathé Phono của Pháp (ở Sài Gòn) mời đào, kép của Thầy Năm Tú để thâu đĩa.
Trên đĩa hát có in hàng chữ: “Đây là bạn hát cải lương của Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, hát cho đĩa Pathé Phono nghe chơi”. Ngày 15-3-1918, rạp Thầy Năm Tú ra mắt vở diễn đầu tiên là vở Kim Vân Kiều do thầy tuồng Trương Duy Toản dựng.
Năm 1927, có một gánh hát cải lương toàn nữ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, một gánh hát huyền thoại một thời do cô và mẹ ruột của GS.TS Trần Văn Khê sáng lập, đó là gánh Đồng Nữ Ban. Gánh hát Đồng Nữ Ban đã trở thành niềm tự hào không chỉ của nữ giới, mà còn được các học giả cổ kim vô cùng kính trọng.
Nghệ thuật sân khấu cải lương đã hình thành và phát triển trên vùng đất Tiền Giang cùng với sự đóng góp của nhiều soạn giả và nghệ sĩ tài danh qua các thế hệ như: Soạn giả Lê Thị Nam (NSND Bảy Nam, nữ soạn giả đầu tiên của Việt Nam); soạn giả, NSND, liệt sĩ Trần Hữu Trang (Tư Trang); soạn giả, NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu)…; các nghệ sĩ: NSND Phùng Há, NSND Kim Cúc, NSND Nguyễn Ngọc Thạch, NSND Kim Cương, NSND - Đạo diễn Trần Ngọc Giàu, NSƯT - Đạo diễn Hoa Hạ, NSƯT Minh Phụng, NSƯT - Nhạc sĩ Văn Giỏi, NSƯT Thanh Hùng, NSƯT Ngọc Hoa…
* PV: Triển lãm Tiền Giang - cái nôi của nghệ thuật cải lương gồm những chuyên đề gì, thưa ông?
* Ông Trần Thanh Đức: Triển lãm “Tiền Giang - cái nôi của nghệ thuật cải lương” bao gồm 4 chuyên đề, với 352 hiện vật và hình ảnh: Đờn ca tài tử - tiền thân của nghệ thuật sân khấu cải lương; Sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương tại Tiền Giang; Nối tiếp truyền thống sân khấu cải lương của thế hệ trẻ Tiền Giang và Một số hình ảnh các vở cải lương do các nghệ sĩ ở Tiền Giang biểu diễn.
Ở chuyên đề “Đờn ca tài tử - tiền thân của nghệ thuật sân khấu cải lương” có các hình ảnh: Gia đình Nguyễn Tống Triều; ban nhạc của tài tử Nguyễn Tống Triều tại hội chợ thuộc địa Marseille năm 1906; ban nhạc của tài tử Nguyễn Tống Triều tại hội chợ đấu xảo Marseille (Pháp) năm 1906; ông Nguyễn Tri Khương (1890 - 1962) người xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, là soạn giả của nhiều vở cải lương, trong đó có vở Giọt lệ chung tình - vở diễn chủ lực của gánh Đồng Nữ Ban; Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Trần Văn Khê - bậc thầy về nhạc dân tộc và đờn ca tài tử (ông sinh ngày 24-7-1921 trong một gia đình có 4 đời làm nhạc sĩ)…
Về hiện vật có các loại nhạc cụ sử dụng trong đờn ca tài tử như: song lang, đàn tranh, đàn nguyệt (đàn kìm), đàn bầu và đàn sến.
Ở chuyên đề “Sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương tại Tiền Giang” có các hình ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần thăm hỏi ông Nguyễn Phương Danh, đại biểu Quốc hội khóa I, đạo diễn, diễn viên cải lương - một trong những cây đại thụ của sân khấu cải lương; Rạp hát Vĩnh Lợi (xưa là rạp hát Thầy Năm Tú), được Thầy Năm Tú xây dựng năm 1918, là rạp hát đầu tiên ở Nam bộ; nghệ sĩ Năm Phỉ (1907 - 1954); NSND Phùng Há; NSND Bảy Nam…
Về hiện vật có: Áo dài của NSND Phùng Há mặc diễn trong vở Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu (năm 1960); áo bà ba của NSND Bảy Nam mặc khi diễn vở Lá sầu riêng; kịch bản cải lương Đời cô Lựu, 75 trang, soạn giả Trần Hữu Trang, năm 1955; những đạo cụ như: thương, đao, kiếm, dao găm… sử dụng biểu diễn trên sân khấu.
Ở chuyên đề “Nối tiếp truyền thống sân khấu cải lương của thế hệ trẻ Tiền Giang” và “Một số hình ảnh các vở cải lương do các nghệ sĩ ở Tiền Giang biểu diễn” sẽ giới thiệu đến công chúng những thành tựu của cải lương trên đất Tiền Giang do các thế hệ soạn giả, nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước xây dựng nên.
Bên cạnh triển lãm, vào chiều ngày 18-1, Ban tổ chức còn tổ chức Tọa đàm với hơn 10 tham luận của các nhà nghiên cứu, soạn giả, nhạc sĩ, nghệ sĩ xoay quanh lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương; giải pháp nào để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay…
* PV: Chương trình nghệ thuật Tiền Giang - cái nôi của nghệ thuật cải lương được dàn dựng công phu, quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Xin ông chia sẻ thêm về chương trình này?
* Ông Trần Thanh Đức: Chương trình nghệ thuật Tiền Giang - cái nôi của nghệ thuật cải lương sẽ do NSND Trần Ngọc Giàu tổng đạo diễn; quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Bạch Tuyết, NSND Thanh Hải, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Tấn Tài, NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương và một số nghệ sĩ trẻ như NSƯT Tấn Giao, Vũ Luân, Thy Trang, Lê Hồng Thắm, Nhơn Hậu, Đào Vũ Thanh, Lê Tứ…
Chương trình sẽ dựng lại không gian đờn ca tài tử và ca ra bộ của giai đoạn đầu khi bộ môn nghệ thuật này mới hình thành. Bên cạnh đó, chương trình còn dựng lại 2 trích đoạn cải lương kinh điển của Soạn giả Trần Hữu Trang: Tô Ánh Nguyệt và Đời cô Lựu, gắn liền với tên tuổi của NSND Lệ Thủy và NSND Bạch Tuyết.
Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ vinh danh các cố soạn giả, cố nghệ sĩ và các soạn giả, nghệ sĩ là người Tiền Giang nhằm tri ân đối với những cống hiến của nghệ sĩ và soạn giả cho bộ môn nghệ thuật cải lương. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Tiền Giang, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và một số đài khác trong khu vực.
* PV: Xin cảm ơn ông!
NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)