Thứ Tư, 30/11/2016, 21:22 (GMT+7)
.
ÔNG NGUYỄN THIỆN PHÁP, CHÁNH VĂN PHÒNG BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH:

Ứng phó mùa khô năm 2017 đặt trong tình huống của năm khó khăn nhất

Dự báo của cơ quan chuyên môn cho biết, mùa khô 2016 - 2017 diễn biến phức tạp, sẽ gây khó khăn đến sản xuất và dân sinh. Xung quanh vấn đề này và công tác ứng phó, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh cho biết:

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, năm nay lũ trên sông Tiền xuất hiện trễ ở mức thấp; tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông và sông Cửu Long đang thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15 - 30%. Từ đó, cơ quan chuyên môn tính toán, mùa khô năm 2016 - 2017, mặn sẽ xuất hiện sớm, lấn sâu, nồng độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm nhưng muộn và độ mặn không cao hơn mùa khô vừa qua. Biên mặn 2 g/l có khả năng xâm nhập đến khu vực Đồng Tâm (cách cửa sông khoảng 55 km về phía thượng nguồn) nên có thể gây ra tình trạng khô hạn và thiếu nước ngọt trong mùa khô tới sẽ rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

* Phóng viên (PV): Nếu hạn, mặn xảy ra như dự báo, sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Khó khăn nhất vẫn là các huyện, thị phía Đông. Mùa khô bắt đầu cũng là lúc vùng Ngọt hóa Gò Công bước vào sản xuất vụ lúa đông xuân. Tùy diễn biến mặn xâm nhập sớm hay trễ mà gây ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn nước phục vụ cho sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu và dân sinh khu vực này. Mặn xâm nhập sâu còn có thể ảnh hưởng đến rau màu, cây ăn trái các huyện, thị phía Tây. Điều này đã xảy ra vào mùa khô vừa qua khi mặn xâm nhập đến huyện Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước qua 3 ngã: Từ sông Cửa Tiểu lên, sông Hàm Luông qua và từ sông Vàm Cỏ vào Tiền Giang đã ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu rau màu, cây ăn trái. Rút kinh nghiệm mùa khô vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan chuẩn bị phương án ứng phó mùa khô tới theo tình huống của những năm khó khăn nhất để không bị động trước diễn biến bất ngờ của thời tiết, thủy văn.

* PV: Theo tính toán của đơn vị chức năng, vụ đông xuân 2016 - 2017 ở vùng Ngọt hóa Gò Công sẽ có nhiều diện tích xuống giống muộn. Liệu vùng này có phải đối mặt với những khó khăn như năm rồi không?

* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Vào thời điểm này năm rồi, cống Vàm Giồng đã đóng ngăn mặn. Năm nay, đến giờ cống vẫn lấy nước ổn định. Thực tế, vừa qua có một số kỳ triều, nước mặn xâm nhập đến Rạch Vách nhưng sau đó đã rút nhanh. Điều này cho thấy, tình hình nước sản xuất năm nay có phần “dễ thở” hơn năm rồi. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã cảnh báo rằng vụ đông xuân 2016 - 2017 ở khu vực này sẽ rất khó khăn về nước nếu tiếp tục để 5.000 ha lúa thu hoạch thu đông muộn tiếp tục xuống giống đông xuân trễ vụ. Theo tính toán của chúng tôi, những diện tích chỉ cần xuống giống sau ngày 15-12 là đã chắc chắn gặp khó khăn về nước.

* PV: Còn nước sinh hoạt trong mùa khô tới thì sao?

* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Từ mùa khô năm 2015 - 2016 đến nay, tỉnh đã đầu tư nhiều tuyến ống chuyển tải nước sinh hoạt ở các huyện, thị phía Đông; khoan giếng; đấu nối hệ thống cấp nước của các trạm với nguồn nước BOO Đồng Tâm để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho dân. Đặc biệt, đối với huyện Tân Phú Đông lâu nay thiếu nước sinh hoạt rất gay gắt vào mùa khô thì năm nay, nguồn nước sinh hoạt đã được cải thiện đáng kể sau khi UBND tỉnh đầu tư tuyến ống nối nguồn BOO Đồng Tâm đến huyện.

Song, hiện nay, nhiều khu vực dân cư vẫn chưa có tuyến ống nước đi qua, nhất là những vùng sâu, vùng xa tuyến ống nước chính. Hàng ngàn hộ dân sống ở ven sông, ven biển, ngoài đê sử dụng nước sinh hoạt từ sông, ao, hồ… chắc chắn sẽ gặp khó khăn về nước khi mùa khô đến.

Bơm chuyền cứu lúa tại các huyện phía Đông vào mùa khô năm 2015 - 2016. Ảnh: Thái Thiện
Bơm chuyền cứu lúa tại các huyện phía Đông vào mùa khô năm 2015 - 2016. Ảnh: Thế Anh

* PV:  Mùa khô năm 2016 - 2017 đang bắt đầu, tỉnh và ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai các giải pháp gì để ứng phó, thưa ông?

* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Ngay từ tháng 10, UBND tỉnh đã triển khai giải pháp phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2016 - 2017. Tiếp đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn và đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn trong mùa khô tới trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị dùng nước phục vụ sản xuất đông xuân vùng Ngọt hóa Gò Công. Đơn vị chức năng thường xuyên quan trắc mặn trên các tuyến sông; ra quân trục vớt lục bình trên các tuyến kinh vùng Ngọt hóa Gò Công…

Về công việc thời gian tới, BCH PCTT&TKCN tỉnh và ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo đơn vị chức năng, địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến mặn và thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó; khuyến cáo người dân xuống giống theo lịch thời vụ để tránh thiếu nước cuối vụ; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn thật cụ thể; giải phóng chướng ngại vật lòng kinh, giữ vệ sinh nguồn nước; kiểm tra các công trình thủy lợi để kịp thời sửa chữa những cống không bảo đảm ngăn mặn. Đặc biệt, đối với các huyện, thị vùng Ngọt hóa Gò Công, các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cắt vụ đối với những diện tích trễ vụ; xây dựng kế hoạch bơm chuyền cụ thể; vận động người dân chủ động bơm trữ nước trên ao, ruộng. Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi thường xuyên kiểm tra mực nước trên các sông, tuyến kinh nội đồng. Ngoài ra, tỉnh còn có kế hoạch lắp đặt trạm bơm dã chiến (gồm 8 thuyền bơm) bổ cấp qua cống Xuân Hòa và vận hành lấy gạn 2 cửa cống Xuân Hòa để tiếp nước tưới cho diện tích lúa của vùng Ngọt hóa Gò Công khi mặn đến sớm gây thiếu nước.

Đối với khu vực phía Tây, ngoài vận động nhân dân tiết kiệm nước, giữ vệ sinh nguồn nước, giải phóng chướng ngại vật lòng kinh, các huyện, thị vùng này cần củng cố bờ vùng, bờ bao đảm bảo ngăn mặn; thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn từ sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông để có kế hoạch ứng phó và thông báo kịp thời cho người dân để chủ động ngăn mặn, bơm tưới lên ruộng.
Đối với giải pháp nước sinh hoạt các huyện, thị phía Đông, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư các tuyến ống nước kéo vào các khu dân cư trong thời gian tới. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo đơn vị cấp nước tiến hành nạo vét các ao chứa, xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước BOO Đồng Tâm giữa các trạm đã được đấu nối để đảm bảo việc cấp nước trong mùa khô tới; mở các vòi cấp nước công cộng cho nhân dân ở các khu vực ven biển, ven sông, các hộ thuộc xã vùng sâu chưa có nước máy đến lấy sử dụng. Còn các địa phương tăng cường tuyên truyền người dân tiết kiệm trong sử dụng nước.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGÔ VĂN
(thực hiện)

.
.
.