Thứ Sáu, 27/07/2018, 21:33 (GMT+7)
.

Campuchia kết thúc chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội khóa VI

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 27-7, chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội Campuchia khóa VI, bắt đầu từ ngày 7-7, đã kết thúc để đến ngày 29-7 tới, khoảng 8,3 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu bầu 125 nghị sỹ Quốc hội mới của nước này.

Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, Thủ tướng Samdec Techo Hun Sen phát biểu tại buổi kết thúc chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội ở Phnom Penh ngày 27-7. Nguồn: AFP/TTXVN
Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, Thủ tướng Samdec Techo Hun Sen phát biểu tại buổi kết thúc chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội ở Phnom Penh ngày 27-7. Nguồn: AFP/TTXVN

Ủy ban bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) cho biết khoảng trên 300.000 người ủng hộ cho 7 đảng trong số 20 đảng tham gia cuộc tranh cử đã tập trung tại Trung tâm triển lãm thương mại Koh Pich và Quảng trường Dân chủ, sau đó diễu hành trên nhiều đại lộ chính ở thủ đô Phnom Penh.

Trong suốt quá trình vận động tranh cử, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã tiến hành chiến dịch với quy mô lớn nhất. Nếu trong ngày khởi động chiến dịch CPP đã huy động khoảng 60.000 người ủng hộ tập họp và diễu hành ở thủ đô Phnom Penh, thì trong ngày cuối của chiến dịch, số người tham gia của CPP lên đến trên 250.000 người.

Đặc biệt, trong cả ngày khởi động và ngày kết thúc chiến dịch vận động tranh cử, Chủ tịch CPP Samdec Techo Hun Sen, đã đích thân chủ trì cuộc tập hợp và tham gia diễu hành cùng với các cử tri ủng hộ CPP. Trước đó, ông Hun Sen đã đi đến nhiều địa phương trong cả nước, tiến hành 48 cuộc tiếp xúc với trên 654.000 công nhân kêu gọi họ bỏ phiếu cho đảng CPP.

Phát biểu tại cuộc míttinh kết thúc chiến dịch vận động tranh cử, ông Hun Sen kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho CPP để duy trì hòa bình và phát triển. Ông nhấn mạnh trong nhiệm kỳ thứ 5, Chính phủ Hoàng gia Campuchia do CPP lãnh đạo với ông làm Thủ tướng, đã duy trì được hòa bình, ổn định, an ninh và trật tự xã hội, đồng thời ngăn chặn cuộc cách mạng màu với sự cấu kết từ trong và ngoài nước.

CPP là đảng duy nhất tiến hành chiến dịch vận động tranh cử ở tất cả 25 tỉnh, thành phố của Campuchia, trong khi các đảng khác chỉ tiến hành vận động tranh cử tại những địa phương có người của đảng mình ứng cử vào Quốc hội lần này.

Các đảng nhỏ khác không có điều kiện tổ chức tập họp, diễu hành đã có các hình thức vận động như phát cương lĩnh tranh cử trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, hoặc phát loa trên các xe lưu động trên đường phố.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, CPP đề ra cương lĩnh 11 điểm, trong đó nhấn mạnh việc củng cố đoàn kết dân tộc, tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ chế độ Quân chủ, đề cao dân chủ, tự do; tôn trọng nhân quyền tuân thủ pháp luật và công bằng xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và an ninh quốc gia; đồng thời duy trì mức tăng trưởng bền vững 7%/năm.

Các đảng khác, trong đó có các đảng như Dân chủ Cơ sở (GDP), Liên đoàn Dân chủ (LDP), Ý chí Khmer (KWP) và FUNCINPEC, tập trung vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho mọi giới, cải cách luật pháp, hành chính công phục vụ người dân, chống tham nhũng…

NEC cho biết chiến dịch tranh cử 21 ngày đã diễn ra suôn sẻ, không xảy ra bất kỳ hành động bạo lực nào. Vào giữa chiến dịch tranh cử, đảng GDP tuyên bố sẽ rút khỏi cuộc bầu cử do không được tạo điều kiện trong khi diễu hành trên các đường phố, nhưng cuối cùng đã rút lại ý định này, do đã được các cơ quan chức năng đáp ứng các yêu cầu về trật tự, an toàn và an ninh.

Theo NEC, đến ngày 25-7, thời hạn kết thúc đăng ký quan sát viên của cuộc bầu cử lần này, đã có 80.000 quan sát viên của các đảng tham gia tranh cử, hơn 1.000 và các tổ chức xã hội dân sự trong nước và 220 quan sát viên thuộc 52 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Singapore, Brunei, Timor Leste và Pakistan đăng ký tham gia giám sát cuộc bầu cử vào ngày 29-7 tới. Ngoài ra, khoảng 900 nhà báo, trong đó có gần 100 nhà báo quốc tế, sẽ đến tác nghiệp đưa tin về cuộc bầu cử lần này.

Tuy nhiên, 3 tổ chức theo dõi bầu cử lớn nhất từ cuộc bầu cử ở Campuchia năm 1993 do Liên hợp quốc bảo trợ đến nay, gồm Ủy ban vì các cuộc bầu cử tự do và công bằng (Comfrel), Ủy ban trung lập vì các cuộc bầu cử tự do và công bằng tại Campuchia (Nicfec) và tổ chức Minh bạch quốc tế Campuchia (TIC), đã không cử quan sát viên đến dự.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã từng cử quan sát viên đến các cuộc bầu cử trước của Campuchia, trong đó Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), cũng đã không cử quan sát viên giám sát cuộc bầu cử lần này với lý do đảng đối lập CNRP bị giản tán, không còn được tham gia bầu cử. Mỹ và EU trước đó đã cắt các khoản trợ giúp cho NEC để tiến hành cuộc bầu cử lần này.

Theo Bộ Nội vụ Campuchia, khoảng 80.000 cảnh sát, binh sĩ đã được huy động để bảo đảm an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử. Thủ tướng Hun Sen cũng đã ký lệnh cấm bán và uống rượu trong ngày bỏ phiếu 29-7.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/campuchia-ket-thuc-chien-dich-van-dong-tranh-cu-quoc-hoi-khoa-vi/515863.vnp)

.
.
.