Thứ Tư, 14/10/2020, 10:06 (GMT+7)
.

Nhận diện khó khăn, chọn khâu đột phá

Hôm nay (ngày 14-10), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (viết tắt là Đại hội) bước vào ngày làm việc áp cuối. Trong những ngày này, nhân dân tỉnh nhà hân hoan, phấn khởi, một lòng hướng về Đại hội với niềm lạc quan, tin tưởng và kỳ vọng Đại hội sẽ nhận diện khó khăn, thách thức trong thời gian tới, từ đó tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận, đề ra những giải pháp tối ưu, các khâu đột phá nhằm tạo bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh nhà không chỉ ở tầm khu vực, mà còn vươn ra ở cả nước.

Quang cảnh Đại hội
Quang cảnh Đại hội

Đại hội diễn ra trong bối cảnh cả nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, trong đó có Tiền Giang đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải nhận diện, dự báo và đánh giá đúng tình hình, từ đó đề ra các giải pháp, các khâu đột phá để tạo bước phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Trong bối cảnh chung, có thể thấy khó khăn và cũng là thách thức cần phải nhận diện, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo nhiều cơ hội cho phát triển, nhưng cũng mang lại những hệ lụy. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng gây tổn thất lớn đến sản xuất, tác động trực tiếp đến đời sống người dân, trước mắt là mùa khô năm 2021 dự báo tình hình hạn, mặn sẽ tiếp tục đến sớm và kéo dài.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa biết được thời gian kết thúc cũng là một thách thức không nhỏ. Đồng thời, áp lực cạnh tranh do hội nhập, năng lực cạnh tranh còn thấp, nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng... sẽ là yếu tố gây tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh thời gian tới.

Trên tinh thần xác định những khó khăn, thách thức như trên, Báo cáo Chính trị trình Đại hội đã đề ra 3 khâu đột phá, đó là: Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Theo đó, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ trái cây. Đồng thời, khai thác, phát triển có hiệu quả vùng động lực khu vực Gò Công và Đông Nam Tân Phước về công nghiệp; tập trung phát triển đô thị gắn với phát triển thị trường bất động sản vùng Trung tâm.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL..., trong đó ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tin tưởng rằng, với việc Đại hội xác định các khâu đột phá đầy tâm huyết, trách nhiệm như trên sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Tiền Giang là tỉnh có bề dày về truyền thống cách mạng, truyền thống đấu tranh bất khuất, nhân dân cần cù lao động, sáng tạo…

Vì vậy, đó không chỉ là niềm tin tưởng, mà còn là sự kỳ vọng, sự “đòi hỏi” để thỏa lòng của nhân dân về một Tiền Giang ngày càng nâng cao vị thế, quyết tâm đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.  

THIÊN LÊ

.
.
.