Thứ Năm, 05/08/2021, 15:43 (GMT+7)
.

Thách thức "3 tại chỗ"

(ABO) Phương án "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) được đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành trên diện rộng. Đây được xem là phương án thức thời nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa ổn định sản xuất, kinh doanh. Cùng với cả nước, Tiền Giang cũng triển khai chủ trương “3 tại chỗ” và được nhiều doanh nghiệp đăng ký thực hiện. Nhưng hiện nay, chủ trương “3 tại chỗ” đang được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Khi bắt đầu triển khai chủ trương "3 tại chỗ", thông tin chung từ Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 23-7, trên địa bàn tỉnh đã có 71 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã tổ chức sắp xếp, xây dựng phương án bố trí nơi ăn, nghỉ, làm việc cho người lao động theo phương châm “3 tại chỗ”, với tổng số lao động thực hiện phương án trên 12.134 người.

Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng cho biết thêm, đã có 60 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng đã xây dựng phương án “3 tại chỗ” để tiếp tục hoạt động. Các doanh nghiệp còn lại đã ngừng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

3 tại chỗ tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Mỹ Tho.
"3 tại chỗ" tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Mỹ Tho.

Để ổn định sản xuất, một số doanh nghiệp cũng phải thực hiện thêm một số chính sách hỗ trợ người lao động, chủ yếu là hỗ trợ ngoài lương, với mức cụ thể như: Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Bao bì Thành Thành Công hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/14 ngày và 2.000.000 đồng/người/28 ngày ngoài lương, Công ty TNHH T.C. Union Việt Nam hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày ngoài lương và phụ cấp, Công ty cổ phần Sản xuất trái cây Hùng Phát hỗ trợ 2.000.000 đồng/người ngoài lương, Công ty TNHH Nam of London hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày ngoài lương…

Chúng ta cũng thừa hiểu rằng, thực hiện “3 tại chỗ” không phải là phương án dễ dàng cho mỗi doanh nghiệp. Bởi, ngoài áp lực lây lan dịch bệnh trong lực lượng công nhân thì khoản chi phí phát sinh thêm là rất lớn. Trong bối cảnh dịch giã cứ phát đi phát lại trong hơn một năm qua đã làm cho không ít doanh nghiệp “thấm đòn”, đôi khi đã vượt qua sức chịu đựng. Không ít doanh nghiệp cũng đã chấp nhận tạm thời rút khỏi thị trường, để chờ cơ hội mới.

Trong giai đoạn này, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, câu hỏi được đặt ra là tại sao doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động? Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” nói rằng, công ty phải chịu rất nhiều áp lực từ các đơn hàng buộc phải giao do đã ký với đối tác từ trước, từ vùng nguyên liệu đến hạn phải thu hoạch, đến đời sống của hàng ngàn công nhân và hàng loạt áp lực không tên khác. Nếu không triển khai sản xuất, nguy cơ dẫn đến “phá sản” cũng rất lớn do công ty khó có khả năng gánh hết nhiều loại chi phí phát sinh khi dịch bệnh cứ dai dẳng hằng tháng.

Dù có nhiều nỗ lực nhưng dường như “3 tại chỗ” chưa phát huy hết tác dụng. Bằng chứng là nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 trong chính các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ bắt đầu xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải dừng phương án “3 tại chỗ” và triển khai ngay phương án phòng, chống dịch. Công bằng mà nói, trong quá trình triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” cũng có tình trạng doanh nghiệp thực hiện không đúng với phương án đã đăng ký, thậm chí không đăng ký “3 tại chỗ” nhưng vẫn cho công nhân làm việc. Điều này tất nhiên là khó chấp nhận được. Đó chính là lý do tỉnh Tiền Giang cho tạm dừng thực hiện “3 tại chỗ” và có tiếp tục thực hiện chủ trương này hay không cần có thời gian phân tích, đánh giá và tính toán các phương án, trường hợp cụ thể.

Nhìn ở khía cạnh khác, nhiều năm theo dõi hoạt động doanh nghiệp mới có thể cảm nhận được rằng, cơn lốc của Covid-19 quét qua một cách tàn khốc đã làm cho không ít doanh nghiệp điêu đứng, trong khi các gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng chưa thể bù đắp, nên không ít doanh nghiệp đành ngậm ngùi rút khỏi thị trường. Cũng có rất nhiều doanh nghiệp phải tìm đủ mọi cách xoay trở để ổn định, giữ chân người lao động, để chờ cơ hội làm ăn khác.

Cơ hội mới chưa thấy, cơn quét mới của Covid-19 lại xuất hiện. Doanh nghiệp tiếp tục đương đầu với bao thứ phát sinh. Câu chuyện quan trọng hiện nay là làm sao vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tạo điều kiện để ổn định sản xuất, kinh doanh. Đó là điều không dễ. Thách thức “3 tại chỗ” giờ đây không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn cả đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

P.P

.
.
.