Thứ Ba, 04/01/2022, 22:14 (GMT+7)
.

Cái chết của cô bé 8 tuổi vì bạo hành: Đừng im lặng

(ABO) Xem báo, nghe đài, mọi người đều biết cháu bé N.T.V.A., 8 tuổi bị bạo hành tử vong mà nghi can chính là cha ruột và người sắp chính thức làm mẹ kế của cháu.

Đọc tin của tờ báo điện tử Dân Trí: “Qua kiểm tra sơ bộ, bác sĩ ghi nhận trên người cháu bé có nhiều vết bầm tím lớn ở mông, đùi, hông lưng, sưng mủ ở vùng vai trái, trên thái dương bên phải có vết thương khoảng 2 cm, nghi vấn đã được khâu trước đó và đã lành”, ai cũng hình dung những khổ nhục mà bé V.A. phải chịu không chỉ một ngày.

Tôi cố hình dung để “bao che” hành vi man rợ của cặp đôi này như: Đứa bé đột ngột bị tách ra khỏi mẹ đã có những ngôn ngữ, cử chỉ hỗn láo, những hành động gây nguy hiểm cho hai người hay tồi tệ hơn là đốt nhà và đã bị trừng phạt cho từng hành vi. Nhưng không, T. và Tr. biết rõ việc mình làm nên đã cố tình để cho cộng đồng tưởng rằng họ yêu mến, hòa hợp với đứa bé và cả xóa dữ liệu trên camera.

Điều đó cho thấy hành vi hành hạ đứa bé là có tính toán. Nhưng thôi, vụ việc đã có cơ quan chức năng điều tra xử lý, nhất là khi đã gây bức xúc cho xã hội đến nỗi các vị lãnh đạo phải đặc biệt chỉ đạo thì chắc chắn sẽ có câu trả lời chính xác: “Tội ác và trừng phạt”.

Tôi nhớ trong tác phẩm “Những người khốn khổ”, Victor Hugo đã xây dựng hình ảnh nhân vật Jean Valjean vì đã không biết hoàn cảnh đau thương dẫn đến cái chết của Fantine, một người từng là công nhân của ông, nên đã làm mọi cách để bù đắp cho Cosette, con của Fantine, cũng đang bị bạo hành. Chúng ta không còn có thể làm gì ngoài việc nguyện cầu cho hương hồn của bé V.A. an nghỉ. 

Trong mấy ngày này, người ta cũng lan truyền lời kêu gọi “đừng im lặng”. Vâng, mọi người từ hàng xóm láng giềng cho đến thầy cô, họ hàng…, tất cả những ai biết đôi điều về cháu bé chắc cũng đang tự vấn lương tâm và rút ra bài học đau thương cho chính mình. Còn đa số chúng ta, những người trước đây hoàn toàn không biết có bé V.A. trên đời, có yên tâm nghĩ rằng hiện nay không còn bé nào đang trong hoàn cảnh của bé V.A.?

Trong nhiều bài trên mạng có hướng dẫn phải làm gì khi biết vụ việc bạo hành nào đó. Nhưng theo tôi là chưa đủ. Chúng ta cần báo, đài phát hằng ngày trên phương tiện thông tin để khán, thính giả nhận ra dấu hiệu bạo hành và cách xử lý. Và hơn hết, chúng ta cần cả một hệ thống chính trị cùng vào cuộc để sẵn sàng rà soát mọi dấu hiệu bạo hành trẻ em trên toàn Việt Nam. Chúng ta cần chấp nhận xem xét hàng chục, hàng trăm, hay nhiều hơn nữa những thông tin sai để chí ít phát hiện một lần, để cứu một cháu bé đang sống một đời còn đau khổ hơn cái chết, như thời gian cuối đời của bé V.A.. Được vậy, chúng ta mới thực sự yên tâm mà sống.

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT
 

.
.
.