Thứ Hai, 27/12/2021, 16:23 (GMT+7)
.

Cà phê Sơn La và câu chuyện thương hiệu vùng cho ĐBSCL

Câu chuyện Sơn La nhiều lần đi mời chào các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào cây cà phê ở tỉnh miền núi này vào năm 2018 ở cuộc hội thảo Mekong Connect 2021 như một lời nhắc nhở về việc sớm xây dựng thương hiệu vùng hay thương hiệu quốc gia cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Lần đầu tiên, Mekong Connect 2021 được tổ chức tại TPHCM và cũng lần đầu tiên đại diện của 13 tỉnh thành trong vùng đồng bằng đặc biệt này có mặt đầy đủ. Tại đây, liên kết vùng hay thành lập chính quyền vùng để điều phối và kết hợp các hoạt động kinh tế và xã hội giữa TPHCM với 13 tỉnh thành đồng bằng được nhắc đến nhiều lần.

Canh tác lúa ở ĐBSCL giờ cần những cánh đồng lớn và cơ giới hóa. Ảnh: N.K
Canh tác lúa ở ĐBSCL giờ cần những cánh đồng lớn và cơ giới hóa. Ảnh: N.K

Miền núi “chèo kéo” miền xuôi

Sơn La trồng cà phê 30 - 40 năm nay, nhưng người Hà Nội và các tỉnh từ Bắc vào Nam hầu như không biết. Địa hình đồi núi xen kẽ giữa các thung lũng với hai cao nguyên Nà Sản - Mộc Châu với khí hậu ôn hòa. Đất đỏ vàng tầng dày và phì nhiêu phù hợp với cây cà phê. Vì thế, cà phê arabica ở đây có vị ngon đặc biệt. Sau khi rang xay, cà phê Sơn La toát ra mùi nồng của gỗ lâu năm và mùi chua thanh của trái cây rừng, rất đặc trưng sau khi ủ nước nóng.

“Bí thư Sơn La nhiều lần bay vào Sài Gòn để mời gọi đầu tư, nhưng không doanh nghiệp nào chịu ra. Nhưng ông thuyết phục được Phúc Sinh, ngay hôm sau bản ghi nhớ được ký kết. Tám tháng sau, nhà máy hình thành”, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh, kể lại câu chuyện tại diễn đàn Mekong Connect hôm 17-12.

Tháng 11-2018, nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La khai trương ở Bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đồng. Có cả chuyên gia từ nước ngoài bay sang hỗ trợ kỹ thuật. Đây là nhà máy thứ 6 của Phúc Sinh sau năm nhà máy về cà phê, gia vị và nông sản ở Bình Dương và Đắk Lắk.

Giờ đây, thương hiệu cà phê Sơn La đã vững, được thế giới biết đến. Nhà máy có công suất chế biến 20.000 tấn cà phê tươi mỗi năm đã giúp nông dân hưởng lợi. Giá mua cà phê tươi năm 2018 chỉ 6.000-7.000 đồng/ký, nay đã lên đến 20.000 đồng. Ông Thông cũng “bỏ nhỏ” là lợi nhuận của nhà máy Phúc Sinh Sơn La năm sau luôn cao hơn năm trước.

“Lãnh đạo Sơn La kiên trì và cầu thị, thuyết phục nhà đầu tư. Nhưng hơn 20 năm kinh doanh đủ các loại nông sản trong nước, doanh số đạt 250-300 triệu đô la Mỹ, chúng tôi chưa bao giờ được mời xây nhà máy cả”, ông Thông phát biểu.

Từ TPHCM về đến các tỉnh ĐBSCL hay đất mũi Cà Mau cũng mất năm tiếng đồng hồ. Dường như quãng đường đó lại ngắn hơn chặng bay từ thành phố ra Hà Nội, và rồi cũng mất đến bảy tiếng ngồi xe để đến Sơn La. Thì ra, tỉnh miền núi heo hút lại có hấp lực lớn nhờ sự cầu thị của lãnh đạo biết thế mạnh của địa phương.

Đồng bằng vẫn còn hấp dẫn

So với với các vùng khác, ĐBSCL chịu thua kém, thiệt thòi trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần thơ (VCCI Cần Thơ) cho thấy, có 151 dự án FDI đăng ký ở ĐBSCL với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỉ đô la trong năm 2020. Tổng vốn FDI của vùng tăng đáng kể so với các năm trước, tuy vậy chỉ bằng 66,9% tổng vốn đăng ký của đồng bằng sông Hồng và 59,2% so với miền Đông Nam bộ.

Trong quí 3-2021, tuy ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhưng khu vực ĐBSCL vẫn có 14 dự án FDI được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký là 202 triệu đô la. Tập trung vào các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, và Hậu Giang.

Môi trường kinh doanh của ĐBSCL hiện có nhiều thế mạnh so với các vùng kinh tế còn lại, trong 10 tiêu chí của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có sáu chỉ số có điểm cao nhất, gồm: dễ dàng trong tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định; chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhanh hơn các vùng khác; chi phí không chính thức thấp, tỷ lệ nhũng nhiễu thấp nhất cả nước; môi trường cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo địa phương; hệ thống pháp luật và tư pháp để giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả.

Điều này cho thấy các tỉnh, thành ĐBSCL đang thật sự chú trọng đến việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, cùng xu hướng chung của cả nước trong công tác nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bức tranh thu hút dự án FDI ở ĐBSCL đang tăng nhanh từ năm 2010 đến nay, thúc đẩy tăng trưởng FDI trên 20% mỗi năm, giúp cho vùng giảm phụ thuộc vào một vài dự án lớn và tăng dần số lượng các dự án nhỏ và vừa.

Điều này cho thấy FDI ở ĐBSCL đang trở nên đa dạng, linh hoạt và sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho các ngành. Hơn nữa, đã có một số ngành mới tiềm năng phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và truyền thông, hậu cần, năng lượng tái tạo, bất động sản và du lịch…

Tuy vậy, mỗi một địa phương mạnh ai nấy làm, tồn tại như một mảnh ghép riêng biệt – theo lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Chuyện mời gọi nhà đầu tư ngoài nước hay để mắt đến nhà đầu tư trong nước chỉ khoanh trọn trong phạm vi một tỉnh. Ra khỏi địa giới hành chính của tỉnh thì đã là chuyện nhà hàng xóm, chuyện người ta.

Nỗ lực cho thương hiệu vùng

ĐBSCL chiếm 13% diện tích cả nước, gần 20% dân số, đóng góp lúa gạo, hải sản, cây ăn trái. ĐBSCL chiếm đến 90% lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước, thủy hải sản chiếm đến 60-70%.

Xây dựng một thương hiệu cà phê Sơn La đơn lẻ dễ hơn chuyện làm thương hiệu vùng hay rộng hơn là thương hiệu quốc gia. Nhưng chuyện này vừa khó lại vừa dễ bởi ĐBSCL là địa danh được biết đến nhiều hơn hết. Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể lại câu chuyện hồi ông còn làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Khi đó, tỉnh nhờ một công ty Úc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư riêng. Vị doanh nhân đồng ý nhưng nói: “Ông nhờ thì tôi giúp. Nhưng ở Úc người ta không biết Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre ở đâu. Nhưng nói Mekong Delta thì ai cũng biết. Bởi từ đó nằm trong sách giáo khoa. Trên bản đồ thế giới thì dễ thấy hơn”, Bộ trưởng nói.

Gạo ST25 trên những cánh đồng Sóc Trăng của kỹ sư Hồ Quang Cua đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Đáng lẽ “thương hiệu quốc tế” đầu tiên của gạo Việt Nam sẽ là bệ phóng mới. Nhưng việc đăng ký sở hữu trí tuệ chậm trễ và cả nhiều sự cố sau cuộc thi khiến ST25 không được nổi danh như như giống Khaw dak mali, Hom mali hay Phka mail của Thái Lan và Campuchia bởi gạo của họ đạt hạng nhất trong nhiều năm liền và chính sách hỗ trợ thường xuyên của chính phủ.

Rõ ràng, câu chuyện của ST25 không chỉ là chuyện của riêng kỹ sư Hồ Quang Cua, của riêng Sóc Trăng hay vùng ĐBSCL mà là chuyện của cả ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng chính sách lớn không thể bắt đầu từ việc phân tách, cục bộ như trước nữa. Chuyên gia Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright tại TPHCM, đề nghị TPHCM và ĐBSCL nên kiến nghị Chính phủ cho một thể chế chính quyền vùng, áp dụng cho mọi hoạt động, tài khóa… Ông chỉ ra một số “điểm nghẽn” của việc thiếu phối hợp trong quy hoạch vùng, đầu tư công và cơ sở hạ tầng chưa có sự phối hợp. Tỉnh nào “xin” hay vận động Chính phủ cho được phần mình, không có dự án lớn làm đòn bẩy cho cả khu vực.

“Mỗi địa phương đều chăm lo cho lợi ích của mình mà quên mất một vùng cần phát triển bền vững. Cần nhận dạng ĐBSCL như một tổng thể, những gì liên quan đến lợi ích của ĐBSCL cần được xem là thách thức chung và nên có cơ sở dữ liệu chung để nối kết dữ liệu các địa phương lại với nhau. ĐBSCL mạnh thì từng địa phương mới mạnh”, ông phát biểu.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.