Thứ Tư, 07/10/2020, 14:23 (GMT+7)
.

Để không còn tư tưởng phải có con trai

Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) và số người sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng.

Huyện Tân Phú Đông luôn xác định công tác DS-KHHGĐ là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân, cải thiện tình trạng sinh sản, sức khỏe của bà mẹ, trẻ em, nâng cao chất lượng dân số. Bằng nhiều giải pháp, huyện đã tăng cường công tác truyền thông nâng cao ý thức, thực hiện có hiệu quả các chính sách DS-KHHGĐ.

Học sinh tham gia tuần hành hưởng ứng Chiến dịch truyền thông giảm thiểu MCBGTKS ở huyện Tân Phú Đông  năm 2019. 	Ảnh: HỮU DƯ
Học sinh tham gia tuần hành hưởng ứng Chiến dịch truyền thông giảm thiểu MCBGTKS ở huyện Tân Phú Đông năm 2019. Ảnh: HỮU DƯ

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng MCBGTKS và số người sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mức sống của người dân trên địa bàn huyện, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác. Theo số liệu thống kê, năm 2019, tỷ số MCBGTKS trên địa bàn huyện là 112,42 bé trai/100 bé gái và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không có sự can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân của tỷ số MCBGTKS khi sinh trên địa bàn huyện có xu hướng gia tăng là do hiện nay một số gia đình vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi trọng con trai hơn con gái, phải có con trai để nối dõi tông đường... Đặc biệt là, có nhiều gia đình kinh tế khá giả có tâm lý muốn sinh nhiều con, nên dù có hai con, đủ con trai con gái vẫn sinh thêm con. Mặt khác, một số cặp vợ chồng là cán bộ, công chức, viên chức muốn thực hiện quy mô gia đình ít con, sinh đủ hai con, nhưng phải có con trai nên đã lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức...

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông Phạm Văn Lực, việc lựa chọn giới tính khi sinh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự MCBGTKS, nên Chính phủ Việt Nam quy định hành vi này là bất hợp pháp. Để giải quyết vấn đề này, các ngành, các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về những hệ lụy của MCBGTKS; phê phán mạnh mẽ những hủ tục, thái độ và hành vi trọng nam; nêu gương gia đình có hai con là gái thành đạt, hạnh phúc. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, duy trì mức sinh thay thế và thích ứng với già hóa dân số...

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác DS-KHHGĐ, huyện Tân Phú Đông tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản, kiểm soát MCBGTKS, nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội, để người dân tự giác không sinh nhiều con, không sinh con thứ 3 trở lên, không lựa chọn giới tính khi sinh.

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái; hướng dẫn các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi; đưa nội dung giáo dục về giới, dân số, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới vào chương trình giáo dục trong và ngoài nhà trường...

Bên cạnh sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể và đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ rất cần sự đồng thuận, ủng hộ từ phía người dân, để huyện Tân Phú Đông thực hiện có hiệu quả việc giảm thiểu MCBGTKS, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm an sinh xã hội.

P. NGHI

.
.
.