Thứ Năm, 19/04/2018, 11:15 (GMT+7)
.

Internet đã thay đổi cuộc sống người dân

20 năm qua, Internet đã góp phần tạo nên sự thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội, giúp người dân nâng cao hiểu biết và cải thiện cuộc sống.

ĐƯA INTERNET VÀO CUỘC SỐNG

20 năm là khoảng thời gian đủ để Internet “lan tỏa” trên mọi miền đất nước. Internet đã để lại những dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực trong suốt 2 thập niên có mặt ở nước ta, nhất là giúp người dân nâng cao hiểu biết. Anh Nguyễn Phú Quý (xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành) làm nghề nuôi cá giống cho biết, khi chưa tiếp cận Internet, việc chọn cá làm giống, thời gian nuôi, gia đình anh đều dựa vào kinh nghiệm. Từ khi tiếp cận Internet, gia đình anh đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá sinh sản nhanh và áp dụng rất hiệu quả.

Nhiều nông dân truy cập Internet tìm kiếm kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.                                       Ảnh: NGÔ TÔNG
Nhiều nông dân truy cập Internet tìm kiếm kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Ảnh: NGÔ TÔNG

Còn đối với chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo), nhờ tiếp cận Internet mà chị có thể rao bán dừa giống Mã Lai do gia đình sản xuất qua mạng xã hội. Từ đó, nhiều người biết đến sản phẩm của gia đình và đặt mua. Quan trọng hơn, Internet giúp chị có thể tương tác với các thành viên trong gia đình, biết được người thân đang làm gì qua mạng xã hội.

Tân Phú Đông là huyện “trẻ” nhất của tỉnh, đời sống, vật chất của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng Internet cũng đã “lan tỏa” trong người dân nơi đây. Anh Lê Trung Hưng (xã Phú Tân) chia sẻ: “Tôi thường truy cập Internet để đọc báo, cập nhật các thông tin thời sự, xã hội. Đặc biệt, Internet còn giúp tôi tìm hiểu và nắm bắt thông tin thị trường phục vụ cho việc nuôi thủy sản của gia đình”.

Theo Sở TT&TT, trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong nội bộ chính quyền; tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, nền hành chính số với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả. Tỉnh tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông, CNTT phát triển, ứng dụng CNTT rộng rãi trong các doanh nghiệp và người dân; ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ, tin học gắn liền với đời sống, hướng đến phát triển kinh tế số gắn liền với phát triển công nghiệp 4.0.
 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Dũng cho biết, Internet ngày càng phát triển đã giúp người dân tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, từ đó áp dụng vào đời sống cũng như sản xuất; giúp người dân nâng cao trình độ, kiến thức. Ngoài ra, đối với huyện vùng sâu, vùng xa như Tân Phú Đông, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin (CNTT) có tác dụng hỗ trợ kịp thời và thiết thực trong việc chữa bệnh cho nhân dân.

Đánh giá về những thành tựu mà Internet mang lại thời gian qua, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Văn Dũng cho biết, hơn 20 năm qua, Internet đã góp phần làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống, đóng góp không nhỏ vào thành tích của nhiều lĩnh vực như kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục... và đưa Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. Trong sự phát triển chung của Internet cùng với các mặt tích cực kể trên, Tiền Giang cũng không ngoại lệ. Có thể nói, Tiền Giang đã tham gia rất tích cực vào sự phát triển chung của Internet quốc gia. Thể hiện rõ qua các năm gần đây, Tiền Giang luôn được xếp hạng khá về chỉ số Sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT (năm 2015 xếp hạng 17/63; năm 2016 xếp hạng 8/63; năm 2017 xếp hạng 9/63).

ĐỂ INTERNET “LAN TỎA”

Thực tế cho thấy, với trên 70% dân sống ở khu vực nông thôn nên việc tiếp cận Internet đối với người dân ở khu vực này cũng còn nhiều hạn chế. Để đưa Internet đến gần với đời sống người dân, đặc biệt là các hội viên nông dân, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức triển khai các lớp tập huấn “Nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên nông dân”. Dự án này đã giúp người dân tiếp cận được Internet và áp dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình.

Có thể nói, nhờ tiếp cận thông tin trên Internet mà nhiều hội viên Hội Nông dân xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) đã trao đổi thông tin với nhau được dễ dàng; đồng thời, tìm hiểu các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài xã. Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Thanh Bình, việc ứng dụng Internet vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã thực sự là bước ngoặt lớn đối với người dân. Nhờ đó, nông dân có thể tiếp cận kho kiến thức khổng lồ từ Internet, quan trọng nhất là sự thay đổi lớn trong tư duy sản xuất, kinh doanh. Chính nhờ những kết quả trên, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hội viên về những lợi ích khi tiếp cận Internet, tạo điều kiện để Internet “lan tỏa” trên những miền quê.

Theo Sở TT&TT, để Internet tạo sức “lan tỏa” trong cộng đồng, trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ triển khai thực hiện các quy hoạch: Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để tăng cường, phát triển hạ tầng viễn thông - Internet băng rộng phục vụ nhu cầu kết nối Internet ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng của người dân và doanh nghiệp.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Văn Dũng cũng cho biết: “Thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân hiểu và sử dụng các tiện ích trên Internet, nhất là việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các phương tiện truyền thông. Qua đó, người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng, tham gia vào môi trường điện tử, công khai, minh bạch, thay thế cho phương thức truyền thống trước đây; từ đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội hướng đến kỷ nguyên kinh tế số”.

MINH THÀNH

.
.
Liên kết hữu ích
.