Chủ Nhật, 22/12/2019, 15:51 (GMT+7)
.

Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938) và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) của Thủ tướng Chính phủ, Tiền Giang bước đầu đạt hiệu quả tích cực, với sự hỗ trợ ngày càng thiết thực hơn cho phụ nữ.

Triển khai thực hiện Đề án 939 với nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ. (Trong ảnh là một buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho phụ nữ được tổ chức vào năm 2019).
Triển khai thực hiện Đề án 939 với nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ. (Trong ảnh là một buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho phụ nữ được tổ chức vào năm 2019).

HỖ TRỢ PHỤ NỮ THAM GIA CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Đề án 938 được thực hiện dựa trên quan điểm lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Theo đó, trong năm 2019, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang xây dựng 6 văn bản, hướng dẫn các cấp Hội tổ chức thực hiện Đề án 938 gắn với chủ đề trọng tâm của năm: “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”. Bám sát thực hiện theo chủ đề, ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức trao tặng 33 suất học bổng cho trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn và 24 phần quà cho hội viên, phụ nữ (HVPN) nghèo; biên soạn, phát hành 3.000 quyển tài liệu truyền thông, 60.000 tờ rơi tuyên truyền về chủ đề.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức 11 lớp tập huấn và 53 cuộc truyền thông cộng đồng, tọa đàm cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ để đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em; đồng thời, tổ chức các cuộc tọa đàm về thực trạng và giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em; Liên hoan “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”; hội thi, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc trẻ phát triển toàn diện, phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em… Qua đó, giúp các bậc cha mẹ có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và bổ sung kiến thức chăm sóc và bảo vệ trẻ em

Đặc biệt trong năm 2019, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang hướng dẫn xây dựng và cho ra mắt 30 nhóm “Cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ” tại 11 huyện, thị,  thành với 644 thành viên. Hiện tại, các nhóm triển khai 18 chuyên đề hướng dẫn cha mẹ trong chăm sóc và phát triển toàn diện cho trẻ từ 0 - 8 tuổi. Cùng với đó, các cấp Hội LHPN của tỉnh tiếp tục duy trì, nâng chất 200 Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, 398 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, 47 tổ/nhóm “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”…; tư vấn, giúp đỡ 110 hộ gia đình xảy ra bạo lực có chuyển biến tốt; tham gia giải quyết 18 vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; tư vấn thuyết phục 58/60 trường hợp phụ nữ bị bạo lực gia đình tạo nhiều chuyển biến tích cực và không còn bị bạo hành; tiếp nhận, giúp đỡ 64 phụ nữ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, trong đó hỗ trợ vốn cho 40 phụ nữ, số tiền 509 triệu đồng.

Hội LHPN các huyện, thị, thành và cơ sở tổ chức 8.165 buổi truyền thông cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho 351.023/386.738 lượt HVPN, cha mẹ có con dưới 16 tuổi. Các cơ sở Hội xây dựng 31 tổ/nhóm “Phòng, chống đuối nước trẻ em” nhằm tuyên truyền các gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em không để xảy ra đuối nước cũng như cách sơ cấp cứu trẻ em đuối nước tại hộ gia đình; đồng thời, vận động 156.172 hộ có HVPN làm chủ hộ tham gia nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tỷ lệ 81,1%...

HỖ TRỢ PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP

Hội LHPN tỉnh Tiền Giang xác định Đề án 939 là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp Hội LHPN của tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp một cách bài bản. Đây cũng là cơ hội giúp HVPN trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ từ chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể. Do đó, Đề án 939 được các cấp Hội LHPN của tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả với nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực như: Tổ chức Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp; tập huấn bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực về kinh doanh cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; vận động, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ; biên soạn, phát hành 32.000 tờ rơi tuyên truyền về các hoạt động khởi nghiệp; tổ chức các buổi tuyên truyền về khởi nghiệp, thu hút hơn 267.457 lượt HVPN tham dự…

Đặc biệt, Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2019” thu hút 173 ý tưởng của HVPN trên địa bàn tỉnh tham gia và đã có 11 ý tưởng có tính khả thi cao được Hội LHPN tỉnh Tiền Giang vinh danh, khen thưởng; trong đó, có 6 ý tưởng được chọn tham gia Diễn đàn “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào tháng 6-2019 và ý tưởng “Xây dựng trang trại trồng nấm mối đen” của chị Phạm Thị Ngân, hội viên Hội LHPN xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) được chọn vào Vòng vườn ươm của diễn đàn.

Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang phối hợp với Tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam triển khai Dự án “Phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2020”; đồng thời, đưa 22 giảng viên nguồn tham gia hội thảo, tập huấn, đào tạo về khởi sự kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh do IECD đào tạo; tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản, 5 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, với 245 HVPN có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp tham gia; hỗ trợ 10 HVPN thực hiện mô hình sinh kế, tổng số tiền 100 triệu đồng. Hội LHPN tỉnh Tiền Giang còn quan tâm hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng, nhu cầu khởi nghiệp, các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Tính đến tháng 10-2019, có 161 doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ; có 310 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ với số tiền trên 5 tỷ đồng; duy trì hoạt động 5 hợp tác xã do phụ nữ quản lý tại 3 huyện: Gò Công Tây, Châu Thành, Cái Bè và TP. Mỹ Tho…

***

Thực tế cho thấy, 2 Đề án 938 và 939 được các cấp Hội LHPN của tỉnh đẩy mạnh triển khai đang mang lại những hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến HVPN và cộng đồng. Việc triển khai 2 đề án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em; đồng thời, mở ra cho phụ nữ nhiều cơ hội khởi nghiệp.

P.MAI

.
.
.