Thứ Bảy, 27/06/2020, 13:35 (GMT+7)
.

Để gia đình là bến đỗ bình yên của mỗi người

Gia đình là bến đỗ bình yên, an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi người. Đó không chỉ là nơi mỗi người được sinh ra, nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, mà ở đó còn là nơi chứa đựng tất cả sự quan tâm, yêu thương và bảo vệ vô điều kiện. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có những tác động tiêu cực đến nhiều giá trị của gia đình. Vì vậy, để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, cần sự chung tay góp sức của mỗi người, mỗi nhà.

Mỗi thành viên trong gia đình nếu biết tôn trọng, quan tâm, chia sẻ thì sẽ  xây dựng gia đình hạnh phúc lâu bền.
Mỗi thành viên trong gia đình nếu biết tôn trọng, quan tâm, chia sẻ thì sẽ xây dựng gia đình hạnh phúc lâu bền.

Gia đình không chỉ có cha mẹ, con cái, mà đó còn là tình yêu thương ông bà, con cháu, anh chị em, những người thương yêu ruột thịt, dù đi xa nhưng luôn thôi thúc mỗi người quay về. Xây dựng cho mình một mái ấm hạnh phúc là điều mỗi người đều hướng đến.

Chị Nguyễn Thị Kim Chi ngụ phường 2, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Trong cuộc sống gia đình không tránh khỏi những xung đột giữa cha mẹ và các con. Để giải quyết những xung đột là một vấn đề không nhỏ. Vì vậy cha mẹ cần bình tĩnh lắng nghe quan điểm và cảm xúc của các con, để thay đổi cách ứng xử, tạo sự bình đẳng, tôn trọng giữa cha mẹ đối với con. Cha mẹ nên giám sát con một cách khéo léo, để từng thành viên luôn cảm thấy gia đình chính là bến đỗ bình yên nhất…”.

Anh Trần Nghĩa Hiệp, ngụ xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thì cho rằng: “Để gia đình thật sự là bến đỗ bình yên, người chồng cần chung thủy, mẫu mực, hiểu, cảm thông, chia sẻ công việc gia đình cùng vợ, tạo điều kiện để vợ tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao hiểu biết, làm kinh tế và cùng chăm sóc con cái. Vợ là người giữ lửa ấm cho gia đình, luôn bên cạnh cảm thông, chia sẻ vui buồn, tin tưởng và yêu thương chồng, con; tổ chức tốt cuộc sống gia đình. Cả hai vợ chồng cùng tìm hiểu kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con cái, hiểu tâm lý, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con. Có như thế thì mỗi người mới cảm nhận được giá trị của gia đình và cùng chung tay gìn giữ…”.

Với chị Nguyễn Thị Kim Loan, ngụ xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang: “Gia đình là tất cả, là điểm tựa để chị cố gắng vươn lên mỗi ngày…”.

Không khó để nhận ra rằng, gia đình có tầm quan trọng đặc biệt; song, trong cuộc sống hối hả, trước “guồng quay” của cơ chế thị trường và mặt trái của quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế đã tác động tiêu cực đến những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.

Ngày nay, gia đình ở thành thị và nông thôn đang dần thay đổi mô hình từ “tam đại, tứ đại đồng đường” sang mô hình gia đình hạt nhân. Điều đó đã làm giảm các giá trị truyền thống và tăng thêm trạng thái lỏng lẻo, thiếu gắn kết giữa các thành viên trong gia đình; sự tác động không nhỏ của môi trường xã hội với sự bùng nổ của công nghệ thông tin thiếu chọn lọc đã cổ vũ cho lối sống thực dụng của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Áp lực của công việc trong xã hội hiện đại khiến thời gian dành cho gia đình ít hơn, từ đó dẫn đến những xao nhãng trong trách nhiệm với gia đình..., dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng nhiều, kéo theo hàng loạt những hệ lụy cho xã hội…

Anh Nguyễn Thanh Tòng, ngụ xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Để xây dựng một gia đình hạnh phúc không hề đơn giản. Bởi trong cuộc sống, mọi chuyện không thể như mình mong muốn. Vì vậy, mỗi thành viên đều cần nỗ lực chăm lo lao động để kinh tế gia đình phát triển, có trách nhiệm quan tâm, chia sẻ vui buồn, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau thì sẽ giữ được mái ấm hạnh phúc...”.

Thật vậy, để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển, không chỉ các ngành, các cấp, mà mỗi người, mỗi nhà cần phát huy vai trò của mình. Cụ thể, đối với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nên có chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc gia đình và trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới; nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

Đồng thời, tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác gia đình thông qua các phong trào thi đua của các ngành, đoàn thể với các hoạt động thiết thực tại cộng đồng... Đối với mỗi người, hãy thể hiện trách nhiệm đối với xã hội bằng cách luôn nâng niu, gìn giữ, trân trọng tình cảm gia đình. Bởi, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có hạnh phúc, vững mạnh thì xã hội mới phát triển. Vì vậy, để gia đình thực sự trở thành tổ ấm bền vững thì mỗi thành viên trong gia đình cần phải biết tôn trọng, thương yêu, quan tâm, chia sẻ, dành thời gian và cùng nỗ lực xây dựng, vun đắp tình yêu thương, để gia đình mãi là nơi trú ngụ bình yên, êm ấm cho mỗi người.

THANH LAN

.
.
.