Trả lời kiến nghị của cử tri
(ABO) Bộ Công thương nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản 161/BDN ngày 21-11-2023, nội dung kiến nghị như sau:
Cử trị tiếp tục phản ánh, hiện nay giá xăng, dầu, điện và chi phí đầu vào sản xuất khác (như phân bón, thuốc trừ sâu...) đều tăng cao, trong khi giá cả đầu ra sản phẩm thấp, thiếu ổn định. Đề nghị Bộ có giải pháp bình ổn giá nhiên liệu, vật tư để người dân an tâm phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định kinh tế.
Bộ Công Thương xin trả lời như sau:
* Đối với mặt hàng xăng, dầu
Trong công tác điều hành giá xăng, dầu trong nước thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng, dầu thế giới.
Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng, dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng, dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, nhằm bình ổn giá xăng, đầu trong nước, Bộ Tài chính đã rà soát và trình các cấp có thẩm quyền giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu theo quy định.
Ngày 30-12-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; cụ thể, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 40% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa, thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 31-12-2023.
Để tránh ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, tại Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 4-10-2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính: “Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10-2023".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, áp dụng đến hết năm 2024.
Theo đó: Xăng, trừ etanol: 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn: 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa: 600 đồng/lít.
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 31-12-2024.
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1-1-2025 được thực hiện theo quy định tại Mục I khoản I Điều 1 của Nghị quyết 379/2018/UBTVQHI4 ngày 26-9-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024.
* Đối với giá điện
Trong các năm vừa qua cũng như trong thời gian tới, giá bán lẻ điện đã và sẽ tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân quy định tại Quyết định 02/2023/QĐ-TTg ngày 3-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ; giá thành sản xuất, kinh doanh điện tiếp tục được kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.
Trong thời gian sắp tới, giá điện sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xem xét điều chỉnh theo lộ trình, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
P.V