.

Có nên dừng tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động?

Cập nhật: 22:21, 22/11/2017 (GMT+7)

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), thời gian qua, ngành tòa án đã tích cực triển khai các phiên tòa xét xử lưu động. Riêng năm 2017 đã có đến 9.029 phiên tòa xét xử lưu động.

Tuy nhiên, trình bày báo cáo công tác của Chánh án TANDTC tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV mới đây, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ chỉ tiêu về tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động được quy định tại Nghị quyết số 37/2012/QH13.

Trước đó, sau vụ anh Nguyễn Thanh K. ở xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam tự tử ngay trước khi ra phiên tòa xét xử lưu động, đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ xét xử lưu động.

Một phiên tòa xét xử lưu động tại huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: congly.com.vn
Một phiên tòa xét xử lưu động tại huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: congly.com.vn

Về vấn đề này, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh đánh giá, việc xét xử lưu động dù có một số điểm lợi trong tuyên truyền pháp luật nhưng những bất cập và tác động tiêu cực của nó lại nhiều hơn. Bởi trước, trong và cả sau khi xét xử lưu động sơ thẩm, bị cáo chưa được xem là có tội. Việc xử lưu động có thể có ngụ ý rằng bị cáo đã có tội nên cần đưa ra để mọi người chứng kiến, rút kinh nghiệm và được giáo dục.

“Những tác động tích cực cần phải xem xét trong tương quan với những tác động tiêu cực đến bị cáo và người thân, gia đình của bị cáo”, luật sư khuyến nghị.

Từ phân tích trên, luật sư Trương Trọng Nghĩa kiến nghị nên hạn chế và có tiêu chí chặt chẽ cho việc xử lưu động. Thậm chí có thể bỏ hẳn việc xét xử lưu động bởi thực tế cho thấy tuyên truyền, giáo dục pháp luật có nhiều cách, không nhất thiết là phải có phiên tòa lưu động.

Từ thực tế hành nghề, trao đổi với báo chí, nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao Đinh Văn Quế cũng nêu quan điểm, xét xử lưu động gây tốn kém tiền của và nhiều hệ lụy khác mà không thể đong đếm. Đối với các bị cáo, dù phiên tòa có thể chưa bắt đầu nhưng trước cả hàng trăm, nghìn người “phán tội” cũng coi như đã nhận bản án sớm. Xét xử lưu động cho thấy đã không còn hiệu quả, không đạt được mục đích chính là “tuyên truyền, giáo dục pháp luật” mà dường như chỉ thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ của người dân.

Chưa kể, việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người nếu xét từ khía cạnh pháp quyền thì còn vi phạm quyền con người mà Hiến pháp đã ghi nhận.

Ông Nguyễn Văn Dân (cán bộ về hưu tại Hưng Yên), một người dân từng tham dự phiên tòa xét xử lưu động cho hay, ông đến tham dự phiên tòa với mục đích chủ yếu là thỏa mãn sự hiếu kỳ. Ông cho biết, có nhiều người còn bỏ cả công việc để đến phiên tòa, rồi đa số là thanh niên chen lấn vào tận bên trong chỉ với mục đích là nhìn bằng được mặt bị cáo.

“Hiệu quả tuyên truyền hay giáo dục pháp luật chưa thấy đâu chỉ thấy khung cảnh nhốn nháo, người nhà bị cáo và bị cáo xấu hổ, tiếng để đời”, ông Dân nói.

Một số thẩm phán cũng chia sẻ đối với họ, việc xét xử tại tòa án sẽ giúp Hội đồng xét xử tâm lý thoải mái, bình tĩnh, đưa ra phán quyết chính xác hơn. Trong bối cảnh xét xử lưu động đông người, khung cảnh nhốn nháo, tính trang nghiêm bị giảm, việc xét hỏi nhiều khi gặp khó khăn, bản thân các bị cáo, đặc biệt là người chưa thành niên e ngại trả lời hội đồng xét xử hoặc không dám nói thật dẫn đến hiệu quả không cao. Có một số nơi vì chỉ tiêu mà đã đưa các vụ có người chưa thành niên ra xét xử lưu động, điều này là không đúng chính sách xử lý với người chưa thành niên phạm tội.

Mặt khác, đối với cơ quan Công an, bảo vệ phiên tòa lưu động là việc rất khó khăn, thậm chí là rất nguy hiểm trước sự manh động của người dân bởi có những vụ án vì quá bức xúc, mà người dân đòi xử bị cáo theo kiểu “luật rừng”…

Tại diễn đàn Quốc hội, mới đây ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cũng chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về vấn đề này. Theo ĐB Hồ Thị Kim Ngân, việc các tòa án tổ chức xét xử lưu động là hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật rất hiệu quả. Thông qua phiên tòa giúp cho nhân dân hiểu những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp, hiểu được hành vi của bị cáo là vi phạm và phải chịu hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. Việc xét xử lưu động công khai còn thể hiện quyền uy nghiêm minh của pháp luật và bảo đảm tính công khai, minh bạch.

“Đề nghị Chánh án cho biết những cơ sở đối với đề xuất này và việc bỏ quy định về chỉ tiêu tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động có làm giảm hiệu quả của công tác tuyên truyền cũng như giảm tính công khai, minh bạch trong công tác xét xử hay không?”, ĐB Hồ Thị Kim Ngân đặt vấn đề.

Trả lời ĐB Ngân, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, đúng là phiên tòa lưu động trong một thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh thì có tác dụng tuyên truyền rất lớn, giáo dục pháp luật, nhất là những nơi xảy ra vụ án.

Tuy nhiên, theo Chánh án, trong điều kiện của công nghệ thông tin hiện nay, không cần thiết phải có mặt tại phiên tòa, người dân vẫn có thể tiếp cận với phiên tòa thông qua hệ thống truyền thông, đặc biệt khi tòa án đã công khai bản án trên mạng thì bất kể lúc nào, không phải chỉ có thời điểm diễn ra phiên tòa, thì người dân đều có thể tiếp cận phiên tòa.  Vì vậy, tác dụng tuyên truyền của các phiên tòa lưu động đã không còn được nguyên vẹn như khi ban đầu chúng ta triển khai, một thời gian dài có tác dụng rất tốt.

Mặt khác, theo Chánh án, hiện nay phiên tòa lưu động cũng phát sinh những mặt trái khác. Thứ nhất là tổ chức ở ngoài công đường thì không nghiêm minh, khó bảo vệ, đặc biệt những phiên tòa có đối tượng nguy hiểm và hết sức tốn kém.

“Báo cáo Quốc hội, một năm chúng ta tổ chức hơn 9.000, gần 10.000 phiên tòa lưu động thì Tòa án phải chi khoảng 70 tỷ đồng, đấy là chưa kể tiền mà các địa phương hỗ trợ và tôi được biết là địa phương nào cũng hỗ trợ. Khoản chi này tổng hợp lại cũng hết sức lớn”, Chánh án thông tin.

Một vấn đề quan trọng nữa, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, những nguyên tắc tiến bộ của tố tụng đã được Hiến pháp ghi nhận và đã được luật ghi nhận là một người chỉ được xem là có tội khi có bản án có hiệu lực của Tòa. Việc đưa những bị can, bị cáo này ra công khai ở nơi cư trú có thể làm ảnh hưởng đến cả những người thân. Không ít những vụ án, con cháu những người phạm tội vì bức xúc bỏ học đi bụi đời, thậm chí có hành động đáng tiếc khác. Đây là hậu quả xã hội rất lớn.

“Chúng tôi mạnh dạn đề nghị Quốc hội dừng việc tổ chức các phiên tòa lưu động, vì tác dụng của nó đã hạn chế nhưng hậu quả của nó rất lớn, đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định”, Chánh án nói.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.