Báo chí trước nguy cơ " tự diễn biến" " tự chuyển hóa" nội bộ
Trong xu thế hội nhập, dưới tác động từ âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, đội ngũ những người làm báo hiện nay đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Để báo chí tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng, cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, ta cần tập trung làm tốt những vấn đề sau:
Nhà báo tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII- 2016. |
Tăng cường lãnh, chỉ đạo các hoạt động báo chí.
Trong bối cảnh thông tin bùng nổ hiện nay, tình hình càng phức tạp hơn với âm mưu "diễn biến hòa bình", vì thế chúng ta không được phép chủ quan về sự phân hóa tư tưởng ngay trong đội ngũ những người làm báo, giữa các tờ báo. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan chủ quản đối với hoạt động báo chí phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời để báo chí phát huy tốt vai trò định hướng dư luận, động viên, tập hợp các nguồn xã hội cùng xây dựng đất nước, phản bác lại các tư tưởng thù địch. Vai trò người đứng đầu, cơ quan chủ quản của mỗi tờ báo là rất quan trọng: nó thể hiện qua việc định hướng nhanh những vấn đề nhạy cảm về chính trị, có bản lĩnh chính trị để kiên định và nhìn nhận ra vấn đề (ngay cả khi biên tập và duyệt đăng bài của phóng viên, cộng tác viên…) Điều này đã được khẳng định qua Kết luận số 23KL/TW của Ban Bí thư ngày 22-11-2017.
Nhà báo cần có tâm, tầm và bản lĩnh
Ngành nghề nào cũng thế, nhân tố con người là quan trọng nhất, để làm tốt nhiệm vụ của mình, nhà báo đòi hỏi 3 yếu tố: chính trị, đạo đức và chuyên môn. Bởi làm báo cũng là làm chính trị, vì thế báo chí chỉ có thể làm tốt vai trò của mình khi có một đội ngũ những người làm báo cách mạng vững vàng về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị, có nhận thức, tư tưởng đúng đắn.
Và đặc biệt, trong thời đại tri thức thì đội ngũ những người làm báo phải đặc biệt là những người có tri thức cao, nghiệp vụ giỏi. Bởi không thể tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, cũng như chống lại được các tư tưởng thù địch bằng những bài báo không có sức thuyết phục, kém hấp dẫn.
Tuy nhiên, một vấn đề đang làm “đau đầu” các cơ quan báo chí hiện nay, đó là những tờ báo chính thống có xu hướng ngày càng ít người quan tâm giữa sự bùng nổ thông tin mạng. Thế nào là bài báo hấp dẫn, thu hút người xem đang là vấn đề đặt ra ? Thực tế, hiện nay, một bộ phận đọc giả, nhất là giới trẻ đọc gì mỗi khi lên mạng, xem báo? Tính hấp dẫn và tính chính trị phải hài hòa như thế nào để thu hút công chúng ? Tất cả đang là những câu hỏi thách thức những người làm báo hôm nay.
Trong bối cảnh như thế, nếu những người làm báo còn mơ hồ về nhận thức, tư tưởng chính trị có vấn đề, thì không những không định hướng tốt cho dư luận xã hội, mà còn làm cho xã hội bị phân hóa về tư tưởng, nhận thức, trở thành mảnh đất tốt cho âm mưu “ diễn biến hòa bình” thâm nhập dễ dàng.
Xiết chặt khâu quản lý báo chí
Để quản lý tốt báo chí, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có khung pháp lý về quản lý báo chí. Bởi qua đó, sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về báo chí được chặt chẽ hơn, tạo môi trường lành mạnh cho báo chí phát triển, đóng góp tích cực vào công tác quản lý xã hội và phát triển. Cũng trên cơ sở hoàn thiện hệ thống luật pháp, chúng ta mới càng mạnh hơn về cơ sở pháp lý trong cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch bên ngoài và các phần tử phá hoại, cơ hội chính trị bên trong; qua đó hạn chế nguy cơ “tự diễn biến”. Đảng nắm báo chí trước hết là ở khâu cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo báo chí, cán bộ làm công tác tư tưởng và nắm báo chí thông qua công tác sâu sát, chỉ đạo, định hướng thông tin.
Phỏng vấn đại biểu bên lề Đại hội Đảng lần thứ XII. Ảnh: DS |
Để chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, và đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”; thì mỗi cán bộ đảng viên, nhất là những người làm báo phải tự trang bị cho mình một loại “vacxin” đủ mạnh để miễn dịch với các loại “virut” của kẻ thù. Muốn thế, thì ngoài việc tu dưỡng về đạo đức, rèn luyện về chính trị của mỗi người, thì việc hạn chế những tác động từ bên ngoài cũng là yếu tố cần tính đến. Hệ thống pháp luật, thể chế chính trị thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn tham nhũng, như thế mới củng cố niềm tin trong Đảng, và trong dân. Bởi niềm tin chính là loại “vacxin liều cao” giúp ta chống lại “virut” mang tên “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Riêng báo chí cần tập trung nêu những tấm gương tốt, những điểm sáng trong cuộc sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên và người dân để bạn đọc thấy rằng xã hội vẫn còn đó nhiều điều tốt đẹp. Trong thời buổi kinh tế thị trường, cuộc sống ngày càng thực dụng, đồng tiền đang tha hóa dần mọi giá trị đạo đức, thì những tấm gương tử tế trong đời thường chính là những điểm sáng gần thiết cho bức tranh cuộc sống.
Ngoài ra, pháp luật cần chặt chẽ, cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay hơn trong xử lý các vi phạm của báo chí; nhất là các trang báo mạng, mạng xã hội; nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn những thông tin cổ xúy bạo lực, lối sống thực dụng, phô trương, hưởng thụ ích kỷ…đang làm cho bức tranh cuộc sống chỉ thấy toàn những gam màu xám.
DUY SƠN