.

Đốt pháo: Sao còn tơ tưởng trò chơi có hại?

Cập nhật: 09:48, 22/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Đã hơn ¼ thế kỷ kể từ khi Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo được Thủ tướng ban hành, những tưởng việc đốt pháo đã đi vào dĩ vãng, tiếng pháo chỉ còn lại trong phim ảnh hay trong hoài niệm của nhiều người dân Việt sinh trước năm 1994. Nhưng vài năm gần đây, cứ đến tết là báo, đài lại có tin Công an bắt được các vụ vận chuyển mua bán pháo lậu.

Báo Tuổi Trẻ online đưa tin ngày 17-1, Công an tỉnh Bình Phước bắt giữ 4 người trên xe ô tô chứa nhiều bao tải bên trong chứa khoảng 400 kg pháo nổ.

Mọi người chắc không quên 2 câu đối “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Dưa leo, tràng pháo, bánh chưng xanh” để nói về ngày tết. Suốt mấy ngày tết và sau tết, hể có cúng kiếng, lễ, hội người ta đốt pháo. Thật ra trước đó, lúc giỗ tổ nghề, tiệc tất niên đã có tiếng pháo. Chưa kể ngày thường gia đình có việc vui, buồn làm đơn xin chính quyền địa phương (hầu hết đều được chấp thuận) cho đốt pháo.

Không biết lúc thật là xưa viên pháo thế nào? Chứ lúc tôi còn nhỏ viên pháo thông thường, gọi là pháo tiểu, kết lại thành phong tổng cộng có 100 viên, nếu mở ra thành 50 hàng mỗi hàng 2 viên, dài khoảng 30 - 40 cm. Mỗi lần đốt, người ta đốt 1 phong. Pháo rơi xuống chưa nổ trẻ con gom lại để đốt từng viên.

Sau này, người ta cuộn tròn tính thành thước. Người ta đốt nhiều thước pháo; có nhà thả pháo từ lầu cao xuống, tiếng pháo kéo dài hàng chục phút. Báo chí lúc đó phản ánh đêm giao thừa, đứng ở xa nhìn lên bầu trời sáng rực ánh đèn của thành phố, thấy một đám khói mù mịt, lãng đãng bay hơn tiếng đồng hồ mới chịu tan.

Đốt pháo gây ra thương tích bàn tay, bỏng…. Năm nào các bệnh viện cũng có nhiều ca cấp cứu mà nguyên nhân do pháo. Người đốt gây tai nạn cho mình đã đành, người đi đường bị ném pháo vào người, nhẹ thì cháy quần áo, nặng bị bỏng…. Tệ hơn nữa người xui xẻo đi trên xe có chở pháo, pháo phát nổ, bị thương tích trầm trọng.

Dân chúng than phiền tác hại của pháo. Các chuyên gia lên tiếng pháo gây lãng phí kinh tế. Chính phủ đáp ứng nguyện vọng của người dân nên Chỉ thị 406 ra đời vào ngày 8-8-1994. Thế là từ Tết Nguyên đán Ất Hợi -1995 không còn tiếng pháo tết. Tập quán đốt pháo tết được thay thế bằng những tập quán mới như bắn pháo hoa, dạo chơi đường hoa chẳng hạn. Tết vẫn cứ vui.

Nhưng có người vẫn muốn quay về với pháo. Người bán vì cái lợi cho bản thân nhập lậu pháo từ bên kia biên giới. Người mua cạn nghĩ, ham vui. Họ đã quên đi một thời đất nước, nhân dân đã khốn khổ với pháo như thế nào! Khuyên nhủ, giáo dục chắc không xong. Chính quyền địa phương, Công an các cấp cần mạnh tay xử lý những kẻ vẫn lăm le rước tai họa về quê nhà, để cho mọi người yên tâm ăn tết an toàn.

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT


 

.
.
.