.

Thưởng tết: Thấu hiểu và sẻ chia!

Cập nhật: 07:35, 19/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Thưởng tết - một việc rất bình thường, diễn ra từ bao năm nay. Đối với doanh nghiệp (DN), thưởng tết lại càng là chuyện đương nhiên, mặc định trong tâm thức của người lao động. Thế nhưng năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động nặng nề đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và việc làm của người lao động. Do đó, việc thưởng tết của DN được nhiều người nghĩ sẽ rất khó khăn. Cơ quan chức năng dự báo, mức thưởng của DN tết này sẽ giảm.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang, tỉnh có khoảng 2.700 DN với trên 140 ngàn lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trong đó, hơn 96 ngàn lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 42 ngàn lao động có hưởng lương phải ngừng việc và 2.000 lao động phải nghỉ việc.

Đến hiện tại, chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các DN tại tỉnh Tiền Giang đang tăng tốc để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Nhờ các chính sách đảm bảo an sinh nên số lao động trở lại làm việc đến thời điểm hiện tại đạt tỷ lệ khá cao, đây là yếu tố cơ bản giúp các DN nhanh chóng hồi phục sản xuất, kinh doanh. Hiện Tiền Giang có khoảng 4.026 DN, với trên 195.037 lao động đang làm việc. Trong đó, có 7 DN nhà nước, với 2.587 lao động; 1 DN cổ phần vốn nhà nước chi phối, với 73 lao động; 118 DN FDI (vốn đầu tư nước ngoài), với trên 114.821 lao động và 3.900 DN dân doanh, với 77.556 lao động.

Các doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang nỗ lực vượt khó để bảo đảm tiền lương, thưởng Tết cho người lao động.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nỗ lực vượt khó để bảo đảm tiền lương, thưởng tết cho người lao động.

Tuy nhiên, theo Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều DN chưa tổng kết được kết quả kinh doanh năm 2021. Do đó, số DN có kế hoạch, định hướng mức thưởng tết và gửi báo cáo chưa nhiều. Qua thống kê 16/50 DN với 11.413 lao động, mức thưởng Tết Dương lịch năm 2022 bình quân của các DN có gửi báo cáo là 758 ngàn đồng/người.

Về thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, qua số liệu của 47/50 DN gửi báo cáo và có kế hoạch dự kiến chi thưởng, mức thưởng tết bình quân của người lao động sẽ được tính theo tỷ lệ thực tế thời gian làm việc trong năm 2021. Theo đó, mức tiền thưởng Tết Nguyên đán 2022 bình quân khoảng 6,2 triệu đồng/người (mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 qua thống kê 86 DN với 87.620 lao động là 6,6 triệu đồng/người); cao nhất là 82 triệu đồng/người thuộc về một DN FDI và thấp nhất là 1,845 triệu đồng/người. Đáng mừng, trong 47 DN gửi báo cáo về Sở LĐTB&XH không có DN nào để xảy ra tình trạng nợ lương người lao động.

Điểm qua những con số trên để thấy rằng, mặc dù phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh, nhưng các DN đã nỗ lực vượt bậc, tích cực chăm lo cho người lao động đón năm mới 2022 và mừng Xuân Nhâm Dần vui tươi, tươm tất. Dẫu biết rằng, mức thưởng tết cho người lao động không phải là thước đo duy nhất năng lực của DN, nó phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và tiến độ hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của từng DN, nhưng sự nỗ lực cao độ đó của các DN rất đáng ghi nhận!

Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, khích lệ người lao động đã góp công, góp sức để DN bám trụ, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, từng bước ổn định và phát triển sau đại dịch, mà còn là biện pháp giữ chân người lao động gắn bó với DN. Đồng thời, thu hút nguồn nhân lực để vực dậy sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu, đơn hàng dịp cuối năm.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, dù Luật Lao động không quy định các DN bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động, nhưng từ lâu người Việt đã có văn hóa thưởng tết. Sau một năm làm việc vất vả, người lao động bao giờ cũng mong muốn có một khoản thưởng tết. Trên thực tế, nhiều DN đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Thế nhưng, không phải DN nào cũng đủ lực để thưởng tết. Với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số DN không chỉ ngậm ngùi cắt giảm khoản động viên cuối năm, mà còn tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu với mong muốn gắng gượng tồn tại, chờ đợi thời cơ vượt khó. Những DN này đang rất cần sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của chính quyền và các ngành, các cấp để vươn lên, trước hết là bảo đảm việc làm và cuộc sống cho người lao động.

Cùng với đó là tinh thần sẻ chia và sự đồng cảm của người lao động đối với DN trong lúc khó khăn, thể hiện thông qua ý thức trách nhiệm và sự nỗ lực làm việc nhiều hơn để chung tay cùng DN vượt qua thách thức trong hành trình hồi phục và phát triển.

HỮU NGHỊ

 

 

 

 

 


 

.
.
.