.

Giải bài toán thiếu lao động thế nào?

Cập nhật: 09:13, 10/03/2022 (GMT+7)

(ABO) Trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng đang từng bước khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng “cơn bão” Covid-19. Nhịp sống “bình thường mới” dần trở lại, nền kinh tế dần phục hồi, mang đến sự phấn khởi mới cho toàn xã hội.

a
Sắp tới Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang sẽ tổ chức Ngày hội việc làm, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: LÝ OANH

Thế nhưng, trong niềm hân hoan ấy, vấn đề thiếu hụt lao động, nhất là lao động phổ thông đang khiến các doanh nghiệp “đau đầu”. Trong thời gian qua, mặc dù các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đã nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp nhưng vấn đề thiếu hụt lao động ở các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Giải bài toán thiếu lao động như thế nào, đó là vấn đề đang đặt ra không chỉ ở Tiền Giang, mà còn là vấn đề chung của cả nước, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư.

Cụ thể tại Tiền Giang, ngày 9-3, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) đã đến làm việc với các sở, ngành của tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ bài toán thiếu lao động, trong đó có một số doanh nghiệp Hàn Quốc đóng trên địa bàn Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành. Theo ông Lee Yong Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Trung Nam bộ Việt Nam, hiện các công ty Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận đều thiếu hụt lao động với số lượng lớn, đặc biệt là lao động phổ thông.

Chính vì vậy, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng mong muốn các ngành, các cấp của tỉnh tìm giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang Nguyễn Thị Dân Quyền, trong thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận hàng ngàn lao động đến làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm cũng đã tư vấn, giới thiệu việc làm mới ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cần tuyển dụng lao động, nhưng người lao động chưa “mặn mà” quay trở lại làm việc. Sắp tới Trung tâm sẽ tổ chức Ngày hội việc làm, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển dụng.

Có thể thấy, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư vừa qua, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là lao động phổ thông, vì vậy việc họ chưa sẵn sàng trở lại các doanh nghiệp để làm việc cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nên một bộ phận lao động phổ thông muốn tìm kiếm cơ hội làm việc tại địa phương hoặc làm nghề tự do, từ đó khiến cho thị trường lao động thiếu hụt, nhất là lao động phổ thông.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc vào ngày 9-3, các sở, ngành tỉnh Tiền Giang cũng đề xuất nhiều giải pháp để giúp các doanh nghiệp bổ sung nguồn lao động đang thiếu hụt, trong đó có vấn đề doanh nghiệp cần phải quan tâm, có các chính sách đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người lao động để giữ chân công nhân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Rõ ràng để giải bài toán thiếu hụt lao động hiện nay không chỉ có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, mà vấn đề còn ở chỗ doanh nghiệp cần có giải pháp để giữ chân người lao động.

THIÊN QUANG

 

.
.
.