Thứ Hai, 30/04/2012, 17:14 (GMT+7)
.
LLVT TIỀN GIANG TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI:

Phát huy truyền thống anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

37 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, trong điều kiện còn khó khăn về nhiều mặt nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh, của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9, LLVT tỉnh Tiền Giang đã phát huy truyền thống Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ý chí cách mạng tiến công, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau năm 1975, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở Tiền Giang diễn biến rất phức tạp, quân đội và bộ máy chính quyền Sài Gòn các cấp của địch tan rã tại chỗ trên 20 ngàn tên.

Để kịp thời quản lý xã hội, tỉnh đã thành lập Ủy ban Quân quản các cấp, xây dựng tổ chức chính quyền cách mạng ở 178 ấp (khu phố), 78 xã (phường, thị trấn).

Lực lượng vũ trang (LLVT) đã cùng lực lượng Công an phá rã 13 tổ chức phản động. Đến năm 1981, tỉnh Tiền Giang đã cơ bản xóa xong các tổ chức phản động trên địa bàn, ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng ở địa phương trong thời kỳ đầu khó khăn của đất nước.

Đồng thời, để tạo điều kiện cho nhân dân khôi phục sản xuất, LLVT tỉnh đã rà phá và dò gỡ trên 21 ngàn quả mìn, lựu đạn các loại, cùng nhân dân khai hoang phục hóa 392 ha đất. LLVT tỉnh cũng đã tổ chức 3 tiểu đoàn (trong đó có 1 tiểu đoàn quản huấn) vào Nông trường Mỹ Đông khai hoang phục hóa hơn 3.500 ha đất, gieo trồng và thu hoạch trên 120 tấn lương thực, thực phẩm các loại, đảm bảo được yêu cầu tự túc 4 tháng ăn cho bộ đội.

Tháng 7-1977 chiến tranh biên giới Tây - Nam nổ ra, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh nhà đã lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Tiểu đoàn 514C, Tiểu đoàn 2009C trực tiếp tham gia chiến đấu trên tuyến biên giới tỉnh Long An hơn 160 trận đánh, loại khỏi vòng chiến đấu 340 tên, thu 63 súng các loại.

Đến đầu năm 1979, LLVT tỉnh nhà tiếp tục làm nhiệm vụ tiến công và truy quét địch trên địa bàn tỉnh Tà keo (Campuchia), đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 500 tên địch, bắt sống 3 tù binh, bắn cháy 1 xe tăng, thu 92 súng và nhiều đồ dùng quân sự khác.

Sau đó, LLVT tỉnh tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn tại tỉnh Pursát kết nghĩa, đã cùng bạn truy quét tàn quân địch với 730 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 5.238 tên, thu 3.815 súng các loại; giúp bạn phá 40 vụ án, bắt 982 tên địch ngầm, kêu gọi 7.519 tên ra tự thú. Vừa chiến đấu truy quét địch, các đơn vị ta vừa giúp bạn thiết lập, củng cố hệ thống chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và xây dựng LLVT.

Hơn 10 năm chiến đấu và công tác trên nước bạn Campuchia, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh nhà tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không nề hy sinh, gian khổ, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, thủy chung, trong sáng. Hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” đã in đậm trong lòng nhân dân Campuchia, trong đó có nhân dân và LLVT tỉnh Pursát.

Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang trở về, LLVT Tiền Giang bắt tay ngay thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

LLVT tỉnh đã làm tốt công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cho hơn 35 ngàn lượt cán bộ, 3.339 vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo và hơn 16 ngàn học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. LLVT tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước.

Hiện nay mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy của tỉnh khá đồng bộ, vừa đảm bảo yêu cầu đi lại, trung chuyển hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây vừa phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

LLVT tỉnh luôn được quan tâm xây dựng một cách toàn diện, chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên, thật sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Lực lượng thường trực được xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở.

Hiện nay, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp chiếm tỷ lệ 94,36% đã qua đào tạo, hoàn thiện đúng chức danh; trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học và sau đại học đạt 76,5%; trình độ lý luận chính trị cao cấp đạt 71,83%, trung cấp đạt 28,16%. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo đề án, hiện đạt 1,28% so với dân số; tự vệ cơ quan đạt 22,62% so với cán bộ, công nhân viên. Lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý chặt chẽ, sắp xếp vào các đơn vị theo mệnh lệnh động viên đạt 93,05%, có 5,53% là đảng viên.

Công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Hàng năm, huấn luyện cho các đối tượng đạt 100% quân số, nội dung, thời gian; chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ và hoạt động chiến đấu trị an, bảo vệ địa bàn.    

LLVT tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ diễn tập đạt kết quả tốt. Cụ thể, trong hơn 10 năm qua (2000 - 2011) đã tổ chức 567 cuộc diễn tập (trong đó có 1 cuộc diễn tập cấp tỉnh, làm điểm cho Bộ Quốc phòng về động viên công nghiệp theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Nghị định 152 của Chính phủ; 1 cuộc diễn tập cấp xã làm điểm cho Cục Dân quân tự vệ - Bộ Tổng Tham mưu).

Hai cuộc diễn tập này đều được Bộ Quốc phòng rút kinh nghiệm, bổ sung vào tài liệu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trong toàn quân. Đồng thời, hàng năm còn chỉ đạo 30% xã (phường, thị trấn) diễn tập chiến đấu trị an, phòng, chống thiên tai; Tiểu đoàn 514 diễn tập vòng tổng hợp có thực hành bắn chiến đấu cấp trung đội. Qua các cuộc diễn tập, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, khả năng làm tham mưu của LLVT và các ban, ngành, đoàn thể được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Công tác chính sách đối với quân đội và chính sách hậu phương quân đội thường xuyên được quan tâm. Tỉnh đã đề nghị công nhận 20.521 liệt sĩ, 10.761 thương binh; đề nghị hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước cho 26.421 trường hợp; đồng thời giải quyết dứt điểm 2.596 trường hợp chính sách còn tồn đọng.

Đặc biệt, trong các ngày lễ, tết, LLVT tỉnh tổ chức thăm, tặng quà gia đình chính sách, cán bộ hưu và cán bộ, chiến sĩ với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Tổ chức hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác vận động quần chúng được 152 cuộc trên địa bàn 169 xã (phường, thị trấn).

Đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 9/10 Ban Chỉ huy Quân sự huyện (thành, thị); 6 cơ quan, đơn vị trực thuộc và 150/169 trụ sở dân quân xã (phường, thị trấn) với tổng kinh phí 264,6 tỷ đồng. Đã triển khai có hiệu quả chương trình quân - dân y kết hợp, xây dựng đưa vào hoạt động phòng khám và 4 trạm Y tế quân - dân y, đã khám và điều trị cho 240 ngàn lượt người dân; đồng thời đảm bảo quân số khỏe cho bộ đội từ 98,5% trở lên...

Thành tích đạt được trong thời kỳ đổi mới đã đánh dấu sự trưởng thành của LLVT Tiền Giang về mọi mặt. Để ghi nhận thành tích đó, năm 2011 Chính phủ đã quyết định tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng” cho LLVT Tiền Giang và nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng trong phong trào thi đua Quyết thắng. Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh vừa lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ đổi mới cho LLVT tỉnh Tiền Giang.

CAO THẢO
 

.
.
.