Thứ Hai, 27/05/2024, 09:30 (GMT+7)
.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC - LẤY DÂN LÀM GỐC

BÀI 1: Bắt đầu từ công tác tiếp dân

Thời gian qua, việc học tập và làm theo Bác đã thực sự lan tỏa, thấm nhuần vào ý thức, đời sống của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt đã có sự thay đổi tích cực trong lề lối, tác phong làm việc nói chung và trong phong cách tiếp công dân, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công dân nói riêng, góp phần tạo niềm tin cho nhân dân vào cơ quan quản lý nhà nước.

Thấm nhuần tư tưởng “gần dân, trọng dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, việc khó, việc tồn tại, bức xúc kéo dài... tạo đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về nêu gương, tư tưởng “dựa vào dân, lấy dân làm gốc” xuyên suốt trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng. Người luôn tâm niệm phục vụ nhân dân trong giao tiếp phải “từ trong quần chúng mà ra, về sâu trong quần chúng”. Do đó, việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chính là một biện pháp quan trọng, thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước “việc gì có lợi cho dân phải ra sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân... Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem đến”.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trực tiếp giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trực tiếp giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo của người dân.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta từ Trung ương đến cấp cơ sở luôn nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Cụ thể, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua Luật Tiếp công dân năm 2013; Chỉ thị 35 ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định 11 ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân...

Điều 8 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày... Ngoài ra, cán bộ tiếp công dân phải giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết...

Vì thế, công tác tiếp công dân không những là phương thức thể hiện quyền dân chủ của nhân dân, mà còn là thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy nhà nước và cán bộ, công chức. Người tiếp công dân thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn, trăn trở của nhân dân... để có những phản hồi, giải quyết hợp tình, hợp lý. Điều đó thể hiện bản chất dân chủ, đúng bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN TRONG TIẾP CÔNG DÂN

Theo Ban Tiếp công dân - UBND tỉnh Tiền Giang, trước đây, Tiền Giang là tỉnh có số vụ việc khiếu nại, tố cáo ở mức cao, nhất là khiếu kiện đông người còn nhiều bức xúc. Trước thực trạng trên, nhất là từ khi Luật Tiếp công dân năm 2013 có hiệu lực pháp lý, trên cơ sở căn cứ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đặc biệt là tập trung tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo đó, cấp ủy và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã cụ thể hóa trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đồng bộ và có nhiều chuyển biến tích cực.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tại buổi tiếp công dân liên quan đến Dự án Đường tỉnh 864. 			                                                     Ảnh: VĂN THẢO
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tại buổi tiếp công dân liên quan đến Dự án Đường tỉnh 864. Ảnh: VĂN THẢO

Để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai thực hiện thật sự đạt hiệu quả, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh có 7/14 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trưởng một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị làm thành viên do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đồng thời, thành lập Tổ chuyên môn trực thuộc Ban Chỉ đạo và Tổ công tác đi vận động và đưa dân về địa phương. Theo đó, Tỉnh ủy đã xây dựng các giải pháp hữu hiệu tạo sự liên kết chặt chẽ, thống nhất trong phương thức thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

Nhất là tập trung đổi mới phong cách lãnh đạo và quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và của đội ngũ cán bộ các bộ phận tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể là phải đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; đảm bảo Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định (12 lần/năm); Thủ trưởng các sở, ban, ngành và UBND các cấp thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân định kỳ, có thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và có tổ chức kiểm tra việc thực hiện. Còn đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, các xã, phường, thị trấn; các cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong toàn tỉnh cần quán triệt lại các quy định của pháp luật về tiếp công dân để thực hiện đúng theo quy định.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Trần Huy Cường, Công chức phụ trách công tác tiếp công dân TP. Mỹ Tho, cho biết: Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TP. Mỹ Tho, trụ sở tiếp công dân được bố trí thuận lợi nằm ngay trụ sở UBND thành phố, có phân công công chức trực tiếp công dân thường xuyên; có trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, các phương tiện phục vụ công tác tiếp công dân theo đúng quy định; niêm yết công khai Quy chế tiếp công dân, Nội quy tiếp công dân. Đồng thời, có sự phối hợp tốt của các cơ quan, ban, ngành thành phố khi tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân; cũng như trong công tác xử lý, giải quyết các đơn phức tạp của công dân. Qua đó, lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thành phố tập trung tham mưu giải quyết dứt điểm, kịp thời các vụ việc phức tạp, đông người từ khi mới phát sinh ở cơ sở, không để người dân bức xúc tạo thành điểm nóng; kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Còn đối với cấp cơ sở, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được lãnh đạo cấp cơ sở quan tâm, giải quyết kịp thời, nhất là những vấn đề bức xúc trong người dân. Là người có thời gian khá dài giữ chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây), đồng chí Đặng Công Tiên đã trực tiếp tiếp công dân, giải quyết nhiều vấn đề cử tri phản ánh kiến nghị. Hiện đồng chí Đặng Công Tiên là Bí thư Đảng ủy xã Long Vĩnh, chia sẻ với chúng tôi rằng, người cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu phải quan tâm và trăn trở cùng những bức xúc của nhân dân địa phương mình, đối với những trường hợp cần thiết thì cần đến trực tiếp các ấp, hộ gia đình để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nắm tình hình hoàn cảnh cụ thể để có chỉ đạo kịp thời.

Đặc biệt, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần kết hợp giữa việc vận động, thuyết phục với phân tích thấu tình, đạt lý để người dân hiểu và tự giác chấp hành. Còn đối với những vụ việc phức tạp trong từng trường hợp cụ thể, lãnh đạo Đảng ủy, UBND từng cấp sẽ có kế hoạch, phân chia quyền hạn, trách nhiệm cụ thể, tập trung chỉ đạo rà soát, tiến hành đối thoại công khai, dân chủ với người dân, từ đó có những biện pháp chỉ đạo giải quyết vụ việc dứt điểm, tạo sự hài lòng cho người dân. Nhưng điều quan trọng nhất phải tạo được “uy tín, giữ lời hứa” với người dân của cán bộ, đảng viên trong xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Thực tiễn công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương cho thấy, nơi nào được sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy Đảng, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì nơi đó công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao và ngược lại.

GIA TUỆ - LÊ NGUYÊN

(Còn tiếp)

.
.
.