Thứ Tư, 01/04/2020, 15:26 (GMT+7)
.
BỨC TRANH TIỀN GIANG VÀ NHỮNG ĐIỂM SÁNG

Bài cuối: Một chặng đường mới

Bài 1: Những dấu ấn

Bài 2: "Dọn sân" đón khách

Bài 3: "Đau đầu" giải bài toán hạn, mặn

Bài 4: Áp lực cải cách

Gần hết chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế - xã hội Tiền Giang đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả thực hiện các nghị quyết mang tính chuyên đề đã tạo nên những điểm nhấn rõ nét, đó là: Nghị quyết 06 ngày 27-12-2016 về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng; Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 về phát triển du lịch…

Tiền Giang đã đạt được nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội.  Ảnh: MINH THÀNH
Tiền Giang đã đạt được nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: MINH THÀNH

CHỌN KHÂU ĐỘT PHÁ

Một trong những thành công trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là xác định được các khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội như: Hình thành các cực tăng trưởng, vùng kinh tế trọng điểm; tập trung đầu tư hình thành hệ thống sản phẩm chủ lực hay đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa… nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Điểm nhấn trong các khâu đột phá được xác định là hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm kinh tế. Đi vào cụ thể hóa khâu đột phá này, Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được ban hành.

Đây là nghị quyết quan trọng, được chuẩn bị công phu trước khi ban hành, với nội dung cốt lõi là xác định 3 vùng kinh tế - đô thị. Nghị quyết này đã và đang được các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.

Theo dõi lĩnh vực phát triển doanh nghiệp nhiều năm, chúng tôi mới nhận thấy Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy ban hành ngày 27-12-2016 về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Đây cũng là lần đầu tiên Tỉnh ủy ban hành một nghị quyết mang tính chuyên đề về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đánh giá một cách công bằng, sau thời gian triển khai thực hiện, Nghị quyết 06 đã tạo ra luồng gió mới cho cộng đồng doanh nghiệp, dựa trên cơ sở chứng minh một cách rõ ràng nhất là thông qua số nộp ngân sách nhà nước, số doanh nghiệp thành lập mới…

Phân tích yếu tố tác động từ Nghị quyết 06, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO từng chia sẻ rằng, chủ trương chung của Trung ương và địa phương hiện nay là tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhấn mạnh vào câu chuyện phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và khối tư nhân.

Chủ trương này được cụ thể hóa thông qua Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và gần đây Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết 06.

Điều đặc biệt là Nghị quyết 06 mang tính chuyên đề về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, được UBND tỉnh cụ thể hóa thông qua chương trình hành động và giao trách nhiệm cho tất cả các sở, ban, ngành cùng tham gia thực hiện và đã mang lại kết quả rất tích cực.

NHỮNG CON SỐ “BIẾT NÓI”

Chỉ cần điểm qua một số con số cũng có thể chứng minh được phần nào sự phát triển của Tiền Giang sau khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Dấu ấn rõ nét nhất là số tăng thu ngân sách của tỉnh trong những năm gần đây.

Thực tế cho thấy, từ năm 2016 đến cuối năm 2019, số thu ngân sách tăng mỗi năm không dưới 1.000 tỷ đồng. Nếu như cuối năm 2016 số tăng thu ngân sách khoảng 1.100 tỷ đồng so với năm 2015, đến cuối năm 2017 số tăng thu của 2 năm liền kề khoảng 2.000 tỷ đồng.

Điều đặc biệt là chỉ tính đến ngày 23-10-2019, tỉnh đã đạt chỉ tiêu thu ngân sách của cả năm 2019 do Trung ương giao và đạt khoảng 11.000 tỷ đồng cho cả năm 2019, vượt kế hoạch đến 22%. Đây là con số tăng thu ngân sách chưa từng có trong quá trình phát triển của tỉnh từ trước đến nay.

Con số này nói lên công sức của nhân dân, hàm chứa sự miệt mài lao động, nỗ lực không mệt mỏi trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà.

Một trong những thành công cũng đáng được ghi nhận là sự phát triển số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Con số cụ thể cho thấy, nếu như năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 560 doanh nghiệp thành lập mới, năm 2017 là 670 doanh nghiệp và đến năm 2019 có đến 750 doanh nghiệp thành lập mới; nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Tiền Giang hiện có khoảng 5.600 doanh nghiệp.

Như vậy, số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối năm 2019 đã “cán mốc” sớm so với Nghị quyết 06 ngày 27-12-2016 đặt ra, với mục tiêu đến năm 2020 có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Ngoài số tăng thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa còn nhấn mạnh, kết thúc năm 2019 Tiền Giang cũng đã ra mắt thêm 32 xã nông thôn mới, nâng tổng số lên 92 xã nông thôn mới, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long; trong khi đó vào năm 2015 Tiền Giang mới chỉ ra mắt được 12 xã nông thôn mới.

Điều đặc biệt trong năm 2020, bên cạnh việc ra mắt nông thôn mới ở các xã còn lại theo kế hoạch, Chợ Gạo và Gò Công Đông sẽ ra mắt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp mang tính đòn bẩy trong phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống nhân dân, xóa khó, giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2019 chỉ còn 2,51%...

Đánh giá về những nhân tố góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kể cả những “cú hích” từ các nghị quyết mang tính chuyên đề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang Trần Đỗ Liêm nhấn mạnh, thành quả vừa qua mà Tiền Giang đạt được có cái trước mắt nhưng có cái xuất phát từ nền tảng lâu dài.

Tuy nhiên, điểm nhấn chính là kinh tế phát triển nhanh và ổn định, luôn duy trì ở tốp 3 của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế ổn định, nhất là thu ngân sách tăng liên tục, sẽ tạo tiền đề rất quan trọng tạo nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển.

Điểm mấu chốt cũng không kém phần quan trọng là tạo được niềm tin của doanh nghiệp vào Nhà nước. “Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương để hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và tạo nền tảng để tiếp tục phát triển.

Tất nhiên, không chỉ đối với Tiền Giang, mà còn đối với các tỉnh, thành khác, nằm trong xu thế đổi mới liên tục, đặc biệt là vận hành theo cơ chế thị trường, nên trong chặng đường tới không chỉ tiếp tục phát huy thành quả đạt được mà luôn có những “nút thắt” cần phải gỡ” - ông Trần Đỗ Liêm nhấn mạnh.

2020 là năm kết thúc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng là năm kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Do vậy, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa, để hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020 rất cần sự tập trung, quyết liệt.

Theo đó, một trong những mục tiêu trọng tâm được tỉnh đặt ra là tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư; thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cấu trúc ngành Công nghiệp, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ gắn với vùng kinh tế - đô thị của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ cải cách hành chính; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

ANH PHƯƠNG

.
.
.