Thứ Sáu, 27/03/2020, 13:59 (GMT+7)
.
BỨC TRANH TIỀN GIANG VÀ NHỮNG ĐIỂM SÁNG:

Bài 3: "Đau đầu" giải bài toán hạn, mặn

Bài 1: Những dấu ấn

Bài 2: "Dọn sân" đón khách

Không tính các yếu tố “trồi sụt” vốn dĩ của ngành Nông nghiệp như “được mùa, mất giá”, dịch bệnh, chỉ cần cơn hạn, mặn năm 2016 và năm 2020 đang diễn ra cũng đủ gây nên những cơn “đau đầu” không chỉ đối với ngành Nông nghiệp Tiền Giang, mà còn đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều lời giải cho cơn hạn, mặn năm 2020 được lãnh đạo tỉnh đưa ra để cứu diện tích lúa đông xuân phía Đông và hàng ngàn ha vườn cây ăn trái phía Tây cũng như tìm giải pháp cấp bách để cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân gặp khó khăn.

Đến ngày 26-3, cống Xuân Hòa vẫn còn đóng kín và chưa biết bao giờ được mở do độ mặn trên sông Tiền vẫn còn khá cao.  Ảnh: MINH THÀNH
Đến ngày 26-3, cống Xuân Hòa vẫn còn đóng kín và chưa biết bao giờ được mở do độ mặn trên sông Tiền vẫn còn khá cao. Ảnh: MINH THÀNH

NHỮNG LẦN “ĐẦU TIÊN”

Ngày 10-2, cống Xuân Hòa, cửa ngỏ cung ứng nước cho vùng Ngọt hóa Gò Công chính thức khép lại để bắt đầu cho chu kỳ chống hạn, mặn năm 2020.

Đến ngày 26-3, cống Xuân Hòa vẫn còn đóng kín và chưa biết khi nào được mở khi độ mặn trên sông Tiền còn ở mức khá cao, hiện dao động khoảng 7 g/l. Với thời gian đóng kín kéo dài dẫn đến hệ lụy là tất cả các tuyến kinh nội đồng trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công cạn đáy.

Ngay như tuyến chính, nơi đầu nguồn kinh Xuân Hòa, nước cũng đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử hơn 40 năm đào tuyến kinh này. Những mố chân cầu bắc qua kinh Xuân Hòa giờ cũng đã xuất hiện, cao hơn mực nước chết hơn 2 m.

Lần đầu tiên kinh Xuân Hòa, nguồn dẫn nước chính cho cả vùng phía Đông của tỉnh chịu tình cảnh như thế. Bà Nguyễn Thị Ba (ấp An cư, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo) cho biết, gia đình bà sinh sống tại đây trước khi con kinh Xuân Hòa được đào. Suốt chiều dài hơn 40 năm đào kinh Xuân Hòa, cuộc sống của bà và gia đình gắn liền với tuyến kinh này nhưng chưa từng chứng kiến tình trạng cạn kiệt nước như năm nay.

“Đây là lần đầu tiên tôi thấy kinh Xuân Hòa cạn nước như thế. Chúng tôi nằm ở đầu nguồn kinh Xuân Hòa còn khó khăn vì thiếu nước nói chi khu vực cuối nguồn”- bà Ba cho biết.

Dù chịu tác động lớn của hạn, mặn, dịch bệnh nhưng kết quả cơ bản đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là sản lượng của ngành phát triển tương đối vững chắc. Dù còn nhiều khó khăn đan xen nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và thủy sản Tiền Giang qua các năm đều có tăng trưởng dương, các mục tiêu về sản lượng phần lớn đã đạt và gần đạt các mục tiêu đặt ra đến năm 2020, trở thành nền tảng ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 của ngành Nông nghiệp đạt được là 3,6%, trong khi tăng trưởng bình quân nông nghiệp cả nước chỉ đạt 2,55%.

Câu chuyện của kinh Xuân Hòa làm chúng tôi liên tưởng đến những khó khăn, vất vả của người dân khu vực phía Đông của tỉnh, không chỉ khó đối với nước sản xuất mà còn cả nước sinh hoạt.

Nhiều lần về vùng Gò Công trong mùa hạn, mặn năm 2020, nhưng mỗi lần đi thực tế đều có cảm giác riêng. Ngày 10-2, trên tuyến kinh Trần Văn Dõng (xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) hàng trăm máy bơm vẫn đang chạy sì xịch để lấy nước cho cánh đồng lúa đang ôm đòng, cách đó không xa trạm bơm dã chiến do tỉnh đầu tư cũng chạy hết công suất, cả ngày lẫn đêm.

Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 4-3, các tuyến kinh của khu vực này đã cạn đáy, máy bơm đã không còn hoạt động, trạm bơm dã chiến cũng tạm ngưng vì không còn nước.

Chạy về khu vực các xã Thành Công, Bình Phú (huyện Gò Công Tây), nhiều cánh đồng lúa mới chuẩn bị trổ bông cũng đang thiếu nước trầm trọng, dù đã được tiếp nguồn nước từ TX. Gò Công chuyển lên. Vậy là hàng trăm ha lúa của người dân nơi đây “oằn mình” chống hạn, mặn.

Mấy tháng nay, ông B.H.Q. (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) cũng đứng ngồi không yên với 5 công sầu riêng đã hơn 7 năm tuổi. Nước mặn phủ khắp khu vực xã, mương vườn dần cạn khô, tìm lời giải cho thực trạng thiếu nước tưới sầu riêng là câu chuyện mà ông phải tính đến.

Để cứu cây, buộc lòng ông phải mua nước ngọt, với giá 7 triệu đồng/sà lan nhưng cũng chỉ tưới để mát cây, cầm chừng chứ không đủ sức cho cây sầu riêng tươi tốt.

“Mùa này chắn chắn không thể lấy trái vì cây suy kiệt. Ngày 25-3, độ mặn đo được tại đây còn hơn 4 g/l, nếu tình trạng này còn kéo dài, nhiều vườn sầu riêng sẽ bị thiệt hại nặng. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến tình hình hạn, mặn kéo dài như thế”- ông Q. cho biết.

Đó cũng là câu chuyện chung hiện nay của rất nhiều hộ gia đình, nhất là đối với vùng chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn huyện Cai Lậy…

QUẢ NGỌT

Theo dõi tuyên truyền cả mùa hạn, mặn năm 2016 và năm nay, chúng tôi mới cảm nhận được tính khốc liệt như thế nào. Rõ ràng, mùa hạn, mặn năm 2020 đã vượt qua dự đoán của tỉnh và các địa phương trong vùng.

Riêng đối với Tiền Giang, là tỉnh giáp Biển Đông, mặn năm 2020 xâm nhập theo 3 hướng: Theo sông Vàm Cỏ Tây vào các huyện Tân Phước và Châu Thành, theo sông Tiền và sông Hàm Luông.

Diễn biến mặn lại phức tạp, độ mặn tăng cao đột biến, xâm nhập sớm hơn so cùng kỳ năm 2016 khoảng 1 tháng, lấn sâu vào nội đồng và luôn duy trì ở mức cao, vượt qua đỉnh mặn lịch sử năm 2016 và ảnh hưởng đến tất cả các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh.

Giải bài toán khó này, trên cơ sở kinh nghiệm phòng, chống hạn, mặn năm 2016 UBND tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường lấy gạn nước ngọt qua cống Xuân Hòa để trữ nước trên các kinh trục, xây dựng và vận hành 9 trạm bơm điện để hạ thấp mực nước trên các kinh trục nhằm gia tăng lượng nước lấy qua công trình đầu mối cống Xuân Hòa, thực hiện nạo vét khai thông dòng chảy các tuyến kinh bị bồi lắng.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức 415 điểm bơm chuyền, thực hiện phân vùng để điều tiết nước tưới cho cây trồng, nhất là cây lúa vụ đông xuân.

Nhờ có những giải pháp này nên chỉ có hơn 2.200 ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng năng suất do xuống giống sau lịch thời vụ trong hơn 24.447 ha xuống giống toàn vùng. Kết quả này được xem là thành công đối với vụ đông xuân năm 2019 -2020 khu vực phía Đông.

Còn trước tình hình hơn 36 ngàn ha cây ăn trái khu vực phía Nam Quốc lộ 1A gặp khó khăn về nước tưới, ngày 11-3, UBND tỉnh đã ban hành Phương án 64 về vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và phục vụ sản xuất các cây ăn trái khác ở các huyện, thị phía Tây tỉnh Tiền Giang.

Thực hiện phương án này, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 24-3, đã tổ chức 37 điểm cấp nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và phục vụ sản xuất các cây ăn trái khác ở các huyện phía Tây; các địa phương đã tiếp nhận 102.142 m3 nước ngọt, đã phân phối 80.919 m3 cho 12.426 hộ dân.

Chưa kể, người dân chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó khẩn cấp với hạn, mặn. Câu chuyện hạn, mặn uy hiếp vườn cây ăn trái đến thời điểm này vẫn chưa dừng lại nhưng với việc thực hiện nhiều giải pháp của tỉnh và địa phương, hy vọng sẽ mang lại những “vụ mùa bội thu” như đối với vụ lúa đông xuân của các huyện, thị phía Đông vừa qua.

Bên cạnh giải bài toán nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng là vấn đề nan giải do mặn xâm nhập sớm và vượt qua vị trí lấy nước trên sông Tiền của 2 Nhà máy nước Bình Đức và Đồng Tâm đe dọa nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 800 ngàn dân trên địa bàn TP. Mỹ Tho và các huyện phía Đông của tỉnh.

Thế nhưng, nhờ chủ động có kịch bản ứng phó, ngay từ khi mặn chưa xuất hiện tỉnh đã có văn bản xin Bộ Giao thông - Vận tải chủ trương đắp đập giữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành.

Nhờ chủ động đắp đập trên kinh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập phụ giữ ngọt khác nên tỉnh đã cơ bản bảo vệ được nguồn nước ngọt cung cấp cho hơn 800 ngàn dân và cấp nước tưới cho hơn 80 ngàn ha đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Long An.

Ngoài ra, việc đắp đập giữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành còn góp phần bảo vệ nguồn nước ngọt cho nhà máy nước của tỉnh bạn Long An đặt trên kinh Nguyễn Văn Tiếp.

Chưa kể, việc tổ chức khoan nhiều giếng để bổ cấp nguồn nước và xây dựng trạm bơm bổ cấp nước từ kinh Sáu Ầu - Xoài Hột cho Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức; mở khoảng 100 vòi nước công cộng cấp nước miễn phí cho các hộ dân ở ven biển, ven sông chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung hoặc xây dựng 4 tuyến ống chuyển tải để chuyển nước về khu vực các huyện, thị phía Đông…

Nhờ các giải pháp chủ động trên đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Đây cũng được xem là “điểm sáng” trong bức tranh khó khăn về hạn, mặn gay gắt của năm 2020…

ANH PHƯƠNG (Còn tiếp)

.
.
.