Thứ Sáu, 15/11/2013, 12:32 (GMT+7)
.

TS. Thái Quốc Hiếu: Chăn nuôi theo mô hình ANSH sẽ hạn chế dịch bệnh

Lâu nay, chúng ta nói nhiều về an ninh sinh học (ANSH) trong môi trường chăn nuôi. Vậy ANSH là gì? Nó được triển khai như thế nào? Vấn đề này, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, chăn nuôi theo mô hình ANSH là thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn mầm bệnh từ môi trường bên ngoài vào cơ sở chăn nuôi (CSCN), hạn chế mầm bệnh tồn tại trong CSCN và ngăn chặn mầm bệnh từ CSCN phát tán ra môi trường bên ngoài.

TS. Thái Quốc Hiếu (bên phải) kiểm tra heo tại một CSCN theo mô hình ANSH ở huyện Chợ Gạo.
TS. Thái Quốc Hiếu (bên phải) kiểm tra heo tại một CSCN theo mô hình ANSH ở huyện Chợ Gạo.

Theo Tiến sĩ Hiếu, chăn nuôi theo mô hình ANSH chúng ta phải kiểm soát mầm bệnh từ động vật bệnh, động vật mang mầm bệnh, con người, xe cộ, vật dụng chăn nuôi… có mầm bệnh bám dính đưa vào CSCN. Bà con chăn nuôi cần quan tâm đến điều kiện con giống nhập vào cơ sở như:

Phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là có giấy chứng nhận của cơ quan thú y; cách ly từ 2-3 tuần trước khi nhập vào khu vực chăn nuôi; tuyệt đối không đưa động vật khác vào cơ sở; quản lý chặt chẽ con người, xe cộ, vật dụng chăn nuôi… ra vào cơ sở; hạn chế mầm bệnh tồn tại trong CSCN.

Ngoài ra, bà con chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại mỗi ngày; định kỳ từ 1-2 lần/tuần tổng tiêu độc, khử trùng toàn bộ môi trường chăn nuôi. Tiêu hủy đúng quy định những vật nuôi bị chết hoặc mắc bệnh nhưng không có khả năng hồi phục. Kiểm soát mầm bệnh từ CSCN phát tán ra môi trường bên ngoài. Theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi; khi phát hiện đàn vật nuôi có biểu hiệu bất thường nên khai báo ngay cho UBND xã hoặc đường dây nóng miễn phí 073.3888111. Tuyệt đối không vứt xác, bán chạy vật nuôi chết hoặc mắc bệnh.

Phóng viên (PV): Tiến sĩ có thể cho biết Tiền Giang đã triển khai được bao nhiêu mô hình ANSH?

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu (T.Q.H): Từ các đề tài của Sở Khoa học & Công nghệ (cấp tỉnh và cấp cơ sở), các chương trình và dự án cấp Trung ương, tỉnh Tiền Giang đã triển khai được trên 50 mô hình chăn nuôi ANSH ở heo và gà; tổ chức cho hàng trăm lượt người đến tham quan mô hình, học tập và trao đổi kinh nghiệm.

PV: Khi tham gia vào mô hình ANSH, bà con chăn nuôi sẽ được lợi ích gì?

Tiến sĩ T.Q.H: Khi tham gia vào mô hình ANSH, bà con chăn nuôi được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhỏ để hoàn chỉnh các tiêu chí ANSH, được hỗ trợ thuốc sát trùng, máy phun xịt, đặc biệt là được tư vấn kỹ thuật chăn nuôi thú y. Điều lợi ích nhất là bảo vệ tốt đàn vật nuôi trước áp lực dịch bệnh xảy ra ở các hộ lân cận trong cùng ấp. Kết quả triển khai các đề tài, chương trình và dự án cho thấy, 100% mô hình ANSH đều chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. 

PV: Định hướng của Tiền Giang trên lĩnh vực chăn nuôi theo mô hình ANSH như thế nào?

Tiến sĩ T.Q.H: Thời gian tới, theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng, chuyển giao các mô hình chăn nuôi ANSH, đặc biệt là trên chim nuôi (chim cút, chim trĩ, chim bồ câu…). Vì hiện nay, đối tượng này vẫn chưa có vắc xin cúm để tiêm phòng. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Hợp tác xã chế biến thức ăn gia súc Bình Minh phổ biến, chuyển giao mô hình đệm lót sinh học cho các hộ chăn nuôi.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.