.

Học ở tuổi nào cũng không bao giờ là muộn!

Cập nhật: 15:38, 19/05/2021 (GMT+7)

(ABO) Thực tế hiện nay là có một số người học không biết để làm gì. Vì vậy, có một bộ phận học sinh, sinh viên không nỗ lực cố gắng, từ đó phải bỏ học giữa chừng. Bên cạnh đó, cũng có một số người do không có mục đích rõ ràng nên không có động lực thôi thúc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dù mình có điều kiện.

Chính từ thực tế đó nên câu chuyện của cô Phạm Kim Hoàng (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh với đề tài “Sự hài lòng của du khách nội địa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp, Tiền Giang” tại Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh) ở tuổi 70 đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

a
PGS.TS Trần Văn Thiện (đại diện Trường Đại học Văn Hiến) tặng hoa chúc mừng cô Phạm Kim Hoàng bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ - Ảnh: Tuoitre.vn

Để bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, ròng rã suốt 4 năm cô đi - về giữa huyện Cai Lậy và TP. Hồ Chí Minh qua nhiều chặng xe buýt, xe "honda ôm"…, với quãng đường hơn 200 km cả đi lẫn về. Có những chiều kết thúc buổi học muộn, qua nhiều chặng xe, đến 23 giờ cô mới về đến nhà.

Là giáo viên dạy Văn, sau khi nghỉ hưu, cô tìm các chương trình đào tạo đại học trực tuyến để học nhằm mở rộng kiến thức và tạo niềm vui trong cuộc sống. Cô bắt đầu làm quen với ngành Quản trị kinh doanh từ đó. Sau khi lấy được bằng đại học ngành Quản trị kinh doanh, cô học tiếp lên cao học. Chưa dừng lại ở đó, hiện tại cô đang miệt mài học Tiếng Anh trên mạng.

Câu chuyện của cô Phạm Kim Hoàng lan tỏa và truyền cảm hứng cho nhiều người, nhất là đối với phụ nữ ở tuổi trung niên, có tâm lý an phận, ngại phấn đấu trong học tập không chỉ vì cô lấy bằng thạc sĩ ở tuổi 70, mà còn ở suy nghĩ của cô về việc học. Với cô Hoàng việc học không chỉ là thư giãn, rèn luyện trí lực, sức khỏe, mà còn là niềm vui mỗi ngày; có niềm vui sẽ có hạnh phúc!

a
Cô Phạm Kim Hoàng bảo vệ luận văn thạc sĩ trước hội đồng vào ngày 9-5-2021- Ảnh: Tuoitre.vn

Theo UNESCO, học là để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác. Lênin cũng đã nói: Học, học nữa, học mãi! Rõ ràng, việc học là không có ranh giới, không phân biệt tuổi tác. Chỉ cần có ý chí, có quyết tâm, có sự thôi thúc học để biết, học để bổ sung tri thức, làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, học để khai sáng, để không tụt hậu… thì dù ở bất kỳ tuổi nào, thành phần nào trong xã hội, chúng ta cũng đều có lý do để học.

Khi có kiến thức về kinh tế, kinh doanh, thỉnh thoảng các cháu của cô Hoàng gọi điện nhờ tư vấn. Bên cạnh đó, cô còn tự lý giải được một số hiện tượng kinh tế quanh mình. Rõ ràng, việc học luôn luôn có ích trong cuộc sống. Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, thì việc “học, học nữa, học mãi” càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Nhìn ở góc độ khác, học để làm gì? Từ câu chuyện của cô Phạm Kim Hoàng cho thấy, học không chỉ để có công ăn việc làm, để tiến thân…, mà học còn để mở mang hiểu biết, chiếm lĩnh tri thức, hoàn thiện chính mình. Và hơn thế nữa, học là để có niềm vui, để hạnh phúc. Khi xác định mục đích đúng đắn thì việc học sẽ không có ranh giới. Học ở tuổi nào cũng không bao giờ là muộn!

THIÊN LÊ

 

.
.
.